Du lịch nỗ lực phục hồi

Thứ Sáu, 11/02/2022, 20:09 [GMT+7]
In bài này
.

Những tháng đầu năm, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Đặc biệt trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các bãi tắm, điểm nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí ở BR-VT đón hàng ngàn lượt du khách từ khắp nơi đổ về. Điển hình, tại huyện Xuyên Mộc, hầu hết resort, khách sạn đều kín phòng; các khu, điểm tham quan đông nghẹt khách.

Theo Sở Du lịch, từ mùng 1 đến hết mùng 6 Tết, toàn tỉnh đón và phục vụ gần 420 ngàn lượt khách, doanh thu ước đạt 358 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ. Xuyên Mộc là địa bàn tăng mạnh nhất, gần 4 lần so với cùng kỳ, tiếp theo là TP.Vũng Tàu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tỷ lệ kín phòng ở các địa phương trọng điểm du lịch như TP.Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, Côn Đảo, Đất Đỏ đạt trên 95% công suất, trong đó phân khúc cao cấp (từ 3 sao trở lên) đạt trên 97%; phân khúc còn lại đạt khoảng 80-85%.

Đây là tín hiệu tốt cho hoạt động du lịch của tỉnh sau thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng dịch COVID-19. Đồng thời mang lại niềm vui lớn cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, mở ra hy vọng về sự phục hồi, tăng trưởng trở lại của ngành du lịch cũng như tạo đà để thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch năm 2022.

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng,  lượng khách tăng cao nhưng BR-VT vẫn bảo đảm an toàn cho du khách. Tại các điểm kinh doanh du lịch, dịch vụ, danh lam thắng cảnh, chính quyền địa phương, đơn vị, DN liên quan đều tuyên truyền, nhắc nhở du khách thực hiện đầy đủ “5K”. Mỗi du khách cũng tự ý thức được việc phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình.

Du lịch đang có tín hiệu tích cực ngay từ những tháng đầu năm. Để tạo đà cho du lịch phục hồi và phát triển,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTTDL) vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ tập trung hỗ trợ DN du lịch, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch đẩy nhanh phục hồi hoạt động kinh doanh. Phát triển sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch. Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng mới của thị trường để nhanh chóng phục hồi lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, thí điểm đón khách quốc tế tại một số địa phương. Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

BR-VT hàng năm đón trên hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Các sản phẩm du lịch tại đây thường xuyên được xây dựng và hoàn thiện với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Du lịch BR-VT đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước cũng như quốc tế. Do vậy, để góp phần thực hiện tốt chương tình, mục tiêu mà Bộ VHTTTDL đưa ra, thời gian tới ngành du lịch tỉnh cần tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: khai thác thị trường nội địa, chú trọng sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, quan tâm giữ lao động du lịch chuyên nghiệp, bổ sung và đào tạo nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt và chất lượng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song song đó đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, tăng cường chuyển đổi số, đa dạng hóa phương thức quảng bá và tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành. Khuyến khích, hỗ trợ DN có ý tưởng mới, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm du lịch của tỉnh.

PHÚC MINH

 
;
.