Cuối tuần qua, cậu em họ tôi làm đám cưới. Gia đình em ở Vũng Tàu, trong khi vợ chồng em sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vợ chồng em thực hiện lễ cưới một cách tối giản khi chỉ có sự chứng kiến của ba mẹ hai bên, cùng vài anh chị em, tổng số khoảng 10 người. Nhiều thủ tục đã được cắt bớt, để lễ cưới diễn ra nhanh gọn trong khoảng 30 phút.
Để bảo đảm an toàn, em đã thuê xe riêng cho vợ chồng mình và ba mẹ vợ từ TP. Hồ Chí Minh đi thẳng về trạm y tế phường để khai báo y tế và xét nghiệm nhanh COVID-19, dù trước khi về Vũng Tàu, các thành viên đã xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trong lúc làm lễ cưới, mọi người vẫn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Sau lễ cưới, gia đình nhà gái lại trở về TP. Hồ Chí Minh ngay. Lễ cưới trong bối cảnh đặc biệt. Họ hàng thân hữu không về dự đông đủ như lúc bình thường nhưng ai cũng thương và cầu chúc cho vợ chồng em trăm năm hạnh phúc.
Từ khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là qua gần 3 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đại bộ phận người dân đã nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch và phối hợp tốt để cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Tuy vậy, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tỉnh nới lỏng một số hoạt động nhằm phục hồi kinh tế và tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân thì không phải ai cũng nêu cao ý thức phòng bệnh như vợ chồng em tôi. Tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác dần xuất hiện trong một bộ phận người dân. Trong đó, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng, chống dịch như: đến hoặc trở về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế, còn tổ chức ăn uống, tụ tập đông người, làm lây lan dịch bệnh; trốn khỏi khu vực phong tỏa và bị nhiễm bệnh, làm phát sinh nhiều F1, F2…
Một số trường hợp vi phạm kể trên đã bị cơ quan công an khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ mức độ sai phạm và các cá nhân vi phạm rồi sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Nhưng hành vi thiếu ý thức của họ đã khiến cho dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thêm phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều người: Lực lượng chức năng phải tốn thêm nhiều công sức, chi phí để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; những người trở thành F1, F2 phải cách ly, lo lắng về tinh thần và thiệt hại về vật chất (do phải nghỉ làm việc để cách ly y tế).
Từ ngày 16/10, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh BR-VT đã dần nới lỏng một số hoạt động, trong đó có việc “mở cửa” cho người ngoài tỉnh vào địa phương. Sau khi “mở cửa” trở lại, tỉnh liên tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, trong đó nhiều ca có nguồn lây từ ngoài tỉnh và nhiều ca chưa rõ nguồn lây.
Tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh chiều 3/11, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra rằng, người dân BR-VT vẫn chưa cảnh giác, chưa nhắc nhở và yêu cầu người thân ở các vùng dịch trở về phải khai báo y tế. Nguyên nhân xuất phát từ công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chưa sâu đậm để người dân hiểu hết được những nguy hiểm của dịch bệnh. Do vậy, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về tự giác khai báo y tế.
Dịch bệnh COVID-19 được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp khi cả nước thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Thực tế đã chứng minh, khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác, chấp hành nghiêm của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thì dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Do vậy, trong cuộc chiến dài hơi với COVID-19 ở trạng thái mới, chỉ có sự cố gắng của lực lượng chức năng là chưa đủ mà cần có sự hợp tác, đồng thuận của mỗi người dân với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Mỗi người dân cần phát huy vai trò và trách nhiệm mình trong cuộc chiến này, phải thực sự là một pháo đài chống dịch. Có như vậy, dịch bệnh mới nhanh chóng được kiểm soát, đẩy lùi và thành quả chống dịch mới bền vững.
NGUYỄN ĐỨC
;