Thích ứng nhanh với thực trạng mới

Thứ Năm, 04/11/2021, 20:21 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn 20 ngày thực hiện Nghị quyết 128/ NQ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương, doanh nghiệp và đa số người dân trên địa bàn tỉnh BR-VT đã chủ động và từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chợ truyền thống hoạt động trở lại trong tâm thế luôn đề cao cảnh giác, không lơ là với dịch bệnh và hình thành thói quen sống chung an toàn với với dịch bệnh.

Trên cơ sở bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng chống dịch khi thực hiện nhu cầu mở cửa, các địa phương trong tỉnh đã từng bước khôi phục và đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, thực trạng dịch bệnh gần đây cho thấy, các ca dương tính ghi nhận trong các khu tập trung, khu vực phong tỏa và ngoài cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng trở lại. Tập trung chủ yếu vào các đối tượng nguy cơ cao, như tài xế, công nhân, người đến và về từ các tỉnh, thành phố vùng dịch. Cụ thể, ngày 30/10: 65 ca, ngày 31/10: 45 ca, ngày 1/11: 63 ca, ngày 2/11: 65 ca, ngày 3/11: 82 ca. Đây cũng là điều đã được các cơ quan chức năng của tỉnh dự báo và nhận định tình hình trước khi bước vào giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Qua 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư vừa qua, công tác phòng chống dịch của cả tỉnh nói chung và của từng địa phương nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ vắc xin ở các thành phố, thị xã và các huyện đã được mở rộng, số người được tiêm 2 mũi vắc xin cũng đã tăng lên rất nhiều. Việc chuyển hướng tiếp cận từ mức “zero COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” bước đầu đã có  những dấu hiệu tích cực. Các cấp chính quyền luôn chủ động với phương châm và kế hoạch vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Thích ứng nhanh với thực trạng mới đòi hỏi các địa phương, đơn vị phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả trên hai mặt trận: Phòng chống dịch hiệu quả và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống của người dân. Trước thực trạng người từ vùng dịch đổ về BR-VT đông (mỗi ngày có hơn 1.000 xe tải ra vào các khu công nghiệp, cuối tuần có hàng ngàn người về BR-VT tắm biển…) các địa phương trong tỉnh cần coi việc khai báo y tế  là biện pháp quan trọng nhằm phát hiện kịp thời các ca F0, bảo đảm phát hiện sớm các ca bệnh và điều quan trọng nhất là không để sót ca bệnh. Và, một khi đã phát hiện được các ca bệnh thì phải tiến hành khoanh vùng và cách ly ở diện hẹp nhất có thể, thậm chí có thể khoanh vùng một vài hộ gia đình. Cùng với các giải pháp kịp thời đó là việc hạn chế cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Các trường hợp F1 cũng phải cách ly phù hợp, không chỉ cách ly tập trung mà còn có thể cách ly tại hộ gia đình, tại nơi lưu trú để ngăn chặn nguồn lây. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm các biện pháp “5K + vắc xin + thuốc + công nghệ thông tin + ý thức của người dân”.

Bước vào trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng để bắt nhịp nhanh tiến độ sản xuất. Qua thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng đã xác định khoảng thời gian còn lại của năm 2021 đến Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần 2022 là giai đoạn “nước rút” cho những dự định, kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Để giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong chặng “nước rút” này, các cấp chính quyền đang đồng hành tích cực cùng doanh nghiệp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tái sản xuất, kinh doanh. Như lời ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đã khẳng định: “BR-VT cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ, cùng doanh nghiệp hành động để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; giải quyết nhanh chóng thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ; tăng cường cải cách hành chính; công khai minh bạch các nguồn lực và việc phân bổ các nguồn lực, xem như là một phần rất quan trọng để khôi phục, phát triển kinh tế”.

Thích ứng an toàn với dịch bệnh là chấp nhận số ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng sẽ còn xuất hiện thêm, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, hệ thống phòng chống dịch các cấp, các ngành, người dân và các doanh nghiệp cần phải đề cao cảnh giác, nêu cao vai trò của mình trong phòng chống dịch và chấp nhận đương đầu với dịch. Các địa phương cần sẵn sàng với các tình huống xấu hơn để không bị động, bất ngờ.

HOÀNG LÊ

;
.