Lắp bình gas xong, ông chủ cửa hàng quay sang bảo: “Đợt này gas tăng 500 ngàn đồng/bình 12kg rồi nhé, khả năng sẽ còn tăng tiếp khi giá xăng đang trên đà tăng”. Cách đây tháng rưỡi, cũng bình gas này tôi đã phải chi thêm 50 ngàn đồng thì nay đã tăng thêm 150 ngàn đồng/bình. Hôm kia, khi mua hàng hóa tại siêu thị, dầu gội, các loại bột, sữa, dầu ăn… cũng đã “âm thầm” tăng từ 5-10.000 ngàn đồng/sản phẩm. Với các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, từ cuối tháng 10 đến nay nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ đã phải áp dụng bảng giá mới với xu hướng tăng từ 10 - 25%. Giá các loại dịch vụ ăn uống cũng tăng 10-15%. Gặp chị hàng xóm cũng than vãn, chi phí sinh hoạt của gia đình 4 người tháng này đã tăng thêm vài triệu đồng. “Chỉ còn cách tiết giảm chi tiêu thôi, cứ đà tăng thế này thì không biết lấy tiền đâu khi thu nhập đang giảm vì công việc vẫn chưa ổn định trở lại”, chị thở dài.
Tâm trạng của chị hàng xóm cũng là nỗi lo của nhiều gia đình khác khi hầu hết các mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt đã tăng mạnh sau thời gian dài giãn cách xã hội. Trong khi đó, nhiều DN cũng cho biết, việc giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao đã khiến cho kế hoạch phục hồi sản xuất trong 2 tháng cuối năm gặp nhiều trở ngại. Thống kê cho thấy, chỉ trong 10 tháng của năm 2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 18 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 7.860 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.600 đồng/lít. Giá gas cũng được điều chỉnh tăng 8 đợt, bình quân giá gas tăng 23,81% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí xăng, gas, nguyên vật liệu... đồng loạt tăng sốc không chỉ gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho DN. Ở góc độ mỗi gia đình, giá tăng chỉ biết cách cắt giảm chi tiêu. Bữa cơm giảm chất lượng đi một chút, nhiều chi phí sinh hoạt khác cũng phải tiết chế lại. Nhưng về phía DN thì không thể. Trong bối cảnh sức mua còn rất thấp thì gánh nặng về chi phí đầu vào đã đè nặng lên bài toán kinh doanh của DN, nhất là khi chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, việc tăng giá những mặt hàng đầu vào sẽ làm giá thành, chi phí sản xuất tăng cao lên, đẩy giá hàng tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, đó là nỗi lo về nguy lạm phát. Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây cũng dự báo, áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm. Thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới. Do đó, việc nhà nước tăng cường kiểm soát và có giải pháp hạn chế đà tăng giá hàng hóa là hết sức quan trọng. Bởi nếu để lạm phát tăng cao, lãi suất tiền gửi sẽ đi lên, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Khi đó, DN sẽ rất khó phục hồi sau dịch bệnh vì chi phí vay vốn tăng, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng.
NGÔ GIA