Kích cầu tiêu dùng nội địa để phát triển sản xuất

Thứ Năm, 18/11/2021, 20:38 [GMT+7]
In bài này
.

Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, BR-VT… nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Sức mua của thị trường nội địa sụt giảm chưa từng thấy, quy mô giỏ hàng cả về số lượng và giá trị hàng hóa ở mỗi lượt mua sắm của người tiêu dùng bị tiết giảm một cách đáng kể. Mặt khác, do thu nhập của người lao động trong giai đoạn thực hiện giãn cách bị giảm sút, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung nhu cầu mua sắm vào các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống hàng ngày.

Theo dự báo, từ nay cho đến hết năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao sẽ là dịp thuận lợi thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo động lực khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Trong thời điểm nhiều địa phương đang triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, một số hoạt động ngoài trời được mở cửa, việc đi lại được nới lỏng, nhiều cửa hàng dịch vụ, quán ăn thay đổi phương thức bán hàng, chợ truyền thống hoạt động trở lại… bước đầu đã tạo ra nhiều hoạt động mua sắm sôi nổi trên thị trường.

Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là triển khai thực hiện các đợt khuyến mại tập trung, tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng; thiết lập lại hệ thống các điểm bán hàng tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn… với các chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt”… Cùng với việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn sẽ là hành động thiết thực kích cầu tiêu dùng và hậu thuẫn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển sản xuất, kinh doanh thì việc kích cầu tiêu dùng nội địa là cứu cánh cho các doanh nghiệp sau một thời gian dài “ngủ đông” và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đẩy mạnh cung cầu, tăng sức mua của người tiêu dùng nội địa trên cơ sở thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở bán lẻ hàng hóa để hình thành các chuỗi cung ứng mới. Để các hoạt động kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp cần phải xây dựng lại quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra các mối liên kết giữa các doanh nghiệp với các địa phương, các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải có ý thức và trách nhiệm sản xuất ra các loại hàng hóa chất lượng cao, bảo đảm cung ứng hàng hóa dồi dào và tăng thêm các ưu đãi cho khách hàng. Các doanh nghiệp cần phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Nhằm nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối phù hợp, kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại. Nhằm hỗ trợ thị trường nội địa phát triển sau giai đoạn khó khăn vừa qua, các địa phương cần triển khai đồng bộ và linh hoạt các giải pháp kích cầu tiêu dùng; có cơ chế điều tiết, phân phối hàng hóa hợp lý nhằm bảo đảm cung ứng các nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm, các địa phương, các ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa. Đặt biệt, cần tận dụng thời điểm nhu cầu mua sắm hàng hóa dịp cận Tết tăng cao để tăng tốc sản xuất hàng hóa, bù đắp cho những tháng vừa qua bị đình trệ vì dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cung ứng hàng hóa hợp lý giữa các địa phương, các siêu thị, chợ truyền thống…

HOÀNG LÊ

;
.