Khơi thông cho ngành thủy sản
“Chị có thể tiếp tục gom tôm cho em được không?”, tôi nhận tin nhắn của Tùng - một chàng trai 24 tuổi đang tập tành khởi nghiệp từ nghề nuôi tôm vào chiều mưa tầm tã do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Định từ chối nhưng nhớ đến khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của Tùng khiến tôi không nỡ. Đây là vụ tôm thứ 5 kể từ khi Tùng tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trở về nhà bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Tất nhiên là có sự hỗ trợ về mặt bằng, vốn ban đầu từ gia đình và một phần vay ngân hàng. Vụ nuôi đầu tiên Tùng huề vốn, đến vụ thứ hai thì bắt đầu có lãi, dù chưa nhiều. Theo tính toán của Tùng, bình quân mỗi héc ta nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, chi phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, năng suất nếu đạt khoảng 15 tấn, mỗi năm nuôi từ 2- 3 vụ sẽ thu lãi 300-400 triệu đồng. Đó là nếu mọi việc đều “thuận buồm xuôi gió”, nghĩa là năng suất, chất lượng, giá bán cao.
Nhưng dịch COVID-19 xảy ra, qua 4 đợt khiến cho 2 vụ nuôi gần đây rơi vào tình trạng thua lỗ. Những người quen thân của Tùng hơn 2 tuần nay đều “xắn tay” vào giúp tiêu thụ. Vận chuyển từ ao tôm về thành phố vốn đã nhiều trở ngại, chia lẻ đơn hàng thuê shipper giao cho từng khách hàng trong mỗi con hẻm nhỏ lại càng khó khăn gấp bội đối với những người không chuyên nghiệp như chúng tôi. Những đơn hàng nhỏ lẻ rao trên các chợ mạng như Facebook, Zalo và cả sự vào cuộc của một số hội đoàn thể… nửa tháng qua chỉ tiêu thụ được 1/10 sản lượng.
Không chỉ những người nuôi đơn lẻ như Tùng mà ngay cả các HTX cũng không thể trụ vững bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Câu chuyện của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) - nuôi tôm công nghệ cao bằng công nghệ RAS cũng là một ví dụ điển hình. Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, bình quân mỗi ngày HTX xuất bán 2 tấn tôm cho DN thu mua xuất khẩu. Hơn 2 tháng qua, đơn hàng nhỏ lẻ 1-2 tạ/ngày, thậm chí có khi chỉ vài kg/đơn hàng.
Mọi năm, đây là thời gian cao điểm để các DN tăng cường thu mua nguyên liệu đáp ứng đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều DN chế biến xuất khẩu thủy sản tạm ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng đã dẫn đến tình trạng tôm, cá đến kỳ xuất bán nhưng không ai thu mua. Thống kê của ngành thủy sản cả nước cho thấy, kết quả nuôi trồng thủy sản tháng 8 đang tăng trưởng âm - mức giảm đầu tiên trong năm. Xuất khẩu tháng 8 giảm tới 36% so với cùng kỳ, tháng 9/2021 dự báo giảm tiếp 20%. Khoảng 60% số DN thủy sản khó khôi phục lại sản xuất sau giãn cách. Điều đáng lo ngại là nhiều người nuôi đã tính đến chuyện “treo ao”, ngừng nuôi vụ kế tiếp vì không còn vốn để đầu tư và lo ngại tình trạng gặp khó về đầu ra sẽ tiếp diễn. Nguy cơ thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu là điều khó tránh khỏi.
Phản ánh của các DN chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 40-50% do thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy, dự báo nguy cơ nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20-30%. Một số DN đã giảm 20-70% công suất do thiếu nguyên liệu. Dự báo việc thiếu nguyên liệu sẽ còn ảnh hưởng sang cả năm 2022.
Kể ra những con số thống kê trên để thấy rằng việc lắng nghe, gỡ khó cho người nuôi trồng và DN thủy sản của các cơ quan quản lý lúc này là vô cùng cần thiết. Và quan trọng nhất là phải giải quyết được khâu tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu. Bởi lẽ, nông nghiệp là lĩnh vực có tính chất khá đặc thù liên quan rất nhiều đến chuỗi sản xuất, chỉ cần đứt gãy một khâu có thể cả một ngành hàng có nguy cơ bị tê liệt.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phục hồi sản xuất sau giãn cách, ngoài ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động, cần có các chính sách tiếp tục giảm, giãn lãi suất; giảm chi phí điện - nước sản xuất cho DN thủy sản; có giải pháp thống nhất trong toàn quốc về phương thức vận chuyển lưu thông hàng hóa vật tư cho nuôi trồng thủy sản… Điều đáng mừng là mới đây, với những nhiệm vụ và giải pháp Thủ tướng Chính phủ vừa giao cho các bộ, ngành vào cuộc gỡ khó cho ngành thủy sản, hy vọng bức tranh sản xuất và thủy sản được sẽ có những gam màu tươi sáng hơn.
NGÔ GIA