Thấu hiểu và cùng hướng về phía trước
Việt Nam đã an toàn trong 3 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19. Chỉ đến khi đợt bùng phát thứ 4, với biến chủng Delta, cơn sóng dữ dội của COVID-19 mới thực sự tác động mạnh lên kinh tế - xã hội cả nước. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong 4 tháng qua, buộc 19 tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội dài ngày, trong đó có BR-VT. Nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội bị xáo trộn.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp không thể tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt doanh nghiệp ngừng sản xuất. Những doanh nghiệp lớn, số lượng lao động đông đảo, có đủ điều kiện hưởng ứng chính sách của chính quyền, đã triển khai thực hiện “3 tại chỗ”, duy trì sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn. Tại BR- VT, ngoại trừ khu công nghiệp Đông Xuyên đã có ca lây nhiễm COVID-19 (được khống chế kịp thời), còn lại, các KCN khác vẫn giữ vững thế trận an toàn. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, mô hình “3 tại chỗ”, chỉ phù hợp với thời gian áp dụng ngắn. Về lâu dài, DN sẽ đuối sức vì chi phí phát sinh.
Đại dịch COVID-19 là biến cố không lường trước được. Việc áp dụng giãn cách dài ngày tại Việt Nam là giải pháp chẳng đặng đừng. Không phải chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đều lựa chọn giải pháp giãn cách xã hội như chiến lược chủ chốt để chống dịch.
Tuy nhiên, đã có khá nhiều lo ngại về một sự đứt gãy của nền sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, thời gian qua, không ít thông tin cho rằng, Việt Nam sẽ đánh mất dòng vốn đầu tư nước ngoài. Cho rằng, những chính sách thắt chặt quản lý lưu thông, giãn cách xã hội sẽ làm nhà đầu tư nước ngoài thoái lui khỏi Việt Nam.
Không thể phủ nhận, có rất nhiều những bất lợi về thu hút đầu tư do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng dùng những con số bất lợi đó để công kích chính sách chống dịch của Việt Nam là luồng ý kiến phiến diện, thiếu cái nhìn toàn cảnh.
Thống kê về các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2021 tại Việt Nam cho thấy, số các dự án tuy giảm 12,2% so với tháng 8/2020 nhưng vốn thực hiện thì vẫn tăng (tăng gần 4%), cùng với đó là quy mô trung bình của dự án tăng lên - trung bình 10 triệu USD/dự án (so với 5,8 triệu USD/dự án trong năm ngoái). Rõ ràng, thu hút đầu tư không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. COVID-19 chưa thực sự tác động mạnh đến ý định và phương án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam.
Vấn đề cơ bản vào lúc này của các cấp chính quyền là khẩn trương nắm bắt tình hình để có những giải pháp phù hợp hơn cho tương lai. Việc hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài là việc cần làm để cùng đồng hành vượt qua khó khăn về lâu dài.
Hội nghị trực tuyến đối thoại, gặp gỡ các hiệp hội DN, nhà đầu tư mà tỉnh BR-VT tổ chức trong những ngày qua không gì khác ngoài mục đích đó. Ý kiến của các DN, trong đó, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài nêu ra tại hội nghị chưa cho thấy những lung lạc trong nhìn nhận về môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng. Hầu hết, những tiếng nói từ hội nghị đều đồng thuận cao với các chính sách chống dịch từ phía chính quyền.
Các DN, nhà đầu tư cũng trực tiếp phản ánh một số khó khăn, đề xuất nhiều kiến nghị để tháo gỡ. Tập trung nhất và mong muốn lớn nhất của các DN, nhà đầu tư vào lúc này chính là vấn đề phủ rộng vắc xin cho các nhà máy sản xuất của họ. Đó là nguyện vọng chính đáng của các DN; là đòi hỏi của địa phương có đóng góp kinh luôn đứng trong top đầu của cả nước. Và đó cũng là mối quan tâm hàng đầu - là mong muốn “thực tâm” của chính quyền tỉnh BR-VT - như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh.
Trong hơn 1 tháng qua, chiến lược ngoại giao vắc xin mà Chính phủ phát động đã liên tiếp có thành quả. Nguồn vắc xin từ nhiều nước, thông qua con đường viện trợ hoặc cho vay sử dụng trước… đang cập bến Việt Nam nhiều hơn. Và tin vui mà Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đưa ra tại hội nghị là Chính phủ cam kết quý 4/2021, theo kế hoạch được phê duyệt, lượng vắc xin cho BR- VT sẽ tiêm đủ cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên, để tái mở cửa nền kinh tế.
Vắc xin là đích đến phía trước. Sự thấu hiểu, đồng lòng, chung sức và chia sẻ lẫn nhau chính là con đường ngắn nhất để tỉnh BR-VT, cộng đồng DN và nhà đầu tư sẽ cùng đến đích một cách bình tĩnh, chắc chắn và an toàn.
THU THẢO