.

Để "chìa khóa" có thể… mở cửa

Cập nhật: 20:11, 10/09/2021 (GMT+7)

Trong Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ xác định thúc đẩy đầu tư công được coi là nhiệm vụ cấp thiết, “chìa khóa” của tăng trưởng.

Rõ ràng, hơn bao giờ hết, đầu tư công chính là nguồn lực mạnh mẽ nhất để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đang bị bủa vây bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho hay, đến hết tháng 8/2021, giải ngân vốn đầu tư công mới được hơn 210.780 tỷ đồng, bằng 41,7% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn mà Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, với 2/3 thời gian của năm 2021, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước là chưa đạt kỳ vọng.

Trong khó khăn, một số ngành, đơn vị đã thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể thúc đẩy giải ngân vốn. Tháng 9 vừa qua, Bộ GT-VT đã thành lập tổ công tác đặc biệt rà soát, kiểm tra các dự án giao thông. Qua đó đôn đốc, kiểm tra xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn. KBNN cũng vừa có công điện yêu cầu toàn ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021. Lấy khách hàng là trung tâm, đối tượng phục vụ; tuyệt đối không hách dịch, sách nhiễu trong giải quyết công việc; không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do.

Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng thấp. Theo kế hoạch,  tổng số vốn được giao trong năm gần 14,8 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn kế hoạch năm trước được kéo dài thời hạn thanh toán theo quy định gần 2.200 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2021 gần 12,6 ngàn tỷ đồng. Tính chung, thanh toán vốn từ đầu năm đến đầu tháng 8/20211 gần 4.400 tỷ đồng, đạt 29,72% so với kế hoạch giao (giảm 0,78% so với  cùng kỳ năm ngoái).

Theo Sở Tài chính, nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến việc thực hiện khối lượng hoàn thành của các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn như: tranh chấp, khiếu nại của người dân; việc áp giá, xác minh nguồn gốc đất; giá đất biến động thay đổi, vượt chi phí bồi thường trong tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phải điều chỉnh dự án. Một số gói thầu (chủ yếu là gói thầu xây lắp) thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài vượt thời gian thực hiện dự án, do vậy phải trình cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện…

Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đang quyết tâm đẩy nhanh thanh toán vốn đầu tư công. Ngay từ  đầu năm, UBND đã ban hành Chỉ thị số 04/CT- UBND về việc điều hành đầu tư công năm 2021, trong đó phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2021 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu và các cá nhân có liên quan năm 2021. Đồng thời, tiếp tục duy trì họp giao ban xây dựng cơ bản theo định kỳ hàng tháng, quý để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn theo kế hoạch giao đầu năm.

Sau 4 đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, với 4 địa phương trong toàn tỉnh đã được hạ mức giãn cách theo Chỉ thị 15, 4 địa phương còn lại cũng đang có những chuyển biến tích cực về công tác phòng, chống dịch, BR-VT đang rất gần với “đích xanh”, có cơ hội để “mở cửa” và chuyển trạng thái xã hội. Vấn đề vào lúc này chính là nắm giữ lấy “chìa khóa” của nguồn vốn đầu tư công, tạo đà cho một sự phục hồi được dự báo là nhiều gian nan sau khi kết thúc giãn cách, khi mà những nguồn vốn khác khó có thể chuyển hóa tức thời vào kinh tế - xã hội.

Thu Thảo

 

.
.
.