Đã gần hết thời hạn thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 đối với 4 địa phương trong tỉnh gồm: TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ và huyện Long Điền. Đến nay, về cơ bản, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và đang phấn đấu sớm chuyển hóa về vùng xanh. 4 địa phương là các huyện: Côn Đảo, Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc tiếp tục giữ vững thành quả “vùng xanh”.
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh BR-VT nói riêng. Đặc biệt, các cộng đồng doanh nghiệp đang phải gánh chịu tác động rất lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp đều bị lâm vào tình cảnh khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng; bị gián đoạn, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng; doanh thu giảm mạnh và buộc phải cho nhiều lao động nghỉ việc. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, xây dựng, bán lẻ, du lịch… bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã và đang phải chịu nhiều tác động do đại dịch COVID-19, nhưng lĩnh vực kinh tế của tỉnh trong 8 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,3%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 11,38%. Kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) tăng 10,42%. Tổng sản lượng hàng xếp dỡ qua cảng biển đạt 78,4 triệu tấn, trong đó hàng container tăng 25%. Thu ngân sách đạt 86% dự toán cả năm. Thu hút đầu tư nước ngoài (cấp mới và điều chỉnh tăng vốn) đạt 394 triệu USD.
Trải qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, phần nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn năng lực, tạm ngưng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Vì vậy, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 của nước ta ở mức 6-6,5% đòi hỏi các địa phương phải có những giải pháp cụ thể để tiến hành mở cửa trở lại trong bối cảnh đợt dịch COVID-19 thứ tư vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các ngành, các lĩnh vực, các địa phương có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế đất nước. Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định, rủi ro, khó khăn và thách thức trong phát triển kinh tế sau mở cửa vẫn còn rất nhiều ở phía trước. Vì vậy, ngay sau khi ngừng thực hiện giãn cách xã hội, hoặc được chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 sang thực hiện Chỉ thị 15, các địa phương cần hỗ trợ kịp thời để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi sinh.
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, ưu tiên tập trung phòng chống dịch hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các địa phương trong vùng tâm dịch đã và đang dự kiến các kịch bản, các giải pháp cụ thể để sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới. Như lời ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến đối thoại, gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng dịch bệnh còn tiếp diễn. Phương án thứ nhất, có thể diễn ra với sự kiểm soát như hiện nay hoặc tốt hơn. Phương án thứ hai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong cả hai phương án, việc mở cửa kinh tế BR-VT là nhu cầu rất cần thiết để tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế - xã hội”.
Sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới được xác định là sống chung lâu dài với dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Mở cửa là cần thiết, nhưng phải làm sao để có thể sống chung an toàn với dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị cùng thống nhất hành động, chuẩn bị tâm thế cho người dân, chuẩn bị thói quen và tạo lập lối sống chậm trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh là trên hết. An toàn tới đâu mở cửa tới đó, theo phương châm “chậm nhưng chắc” và không lơ là chủ quan khi tình hình dịch bệnh ở các địa phương khu vực phía Nam vẫn còn diễn biến phức tạp. Xác định như vậy là để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kế hoạch mở cửa kinh tế, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chuyển sang trạng thái bình thường mới.
HOÀNG LÊ