"Tiếp sức đến trường" mùa dịch

Thứ Hai, 13/09/2021, 21:28 [GMT+7]
In bài này
.

“Sóng và máy tính cho em” là thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đến các bộ, ngành và cộng đồng trước thềm năm học mới, năm học thứ 2 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Trong Chỉ thị về việc Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ TT-TT xây dựng và triển khai sớm Chương trình “sóng và máy tính cho em”, không để một HS nào bị mất cơ hội học tập vì dịch bệnh. Triển khai nhanh chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của người đứng đầu Chính phủ sẽ kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến cho một bộ phận HS gặp khó khăn do dịch bệnh mang lại.

Việc dạy và học trực tuyến đang là mối lo nghĩ hàng đầu của ngành GD-ĐT và hàng triệu phụ huynh trong cả nước hiện nay. Thực tế cho thấy, việc dạy và học trực tuyến là không hề dễ dàng cho cả HS lẫn thầy cô giáo. Khó khăn này không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở các thành phố lớn.

Thiếu thiết bị điện tử, mạng chập chờn, chương trình học còn nặng, khung giờ học chưa hợp lý… Đó là những vấn đề cần phải giải quyết nhằm bảo đảm các hoạt động dạy và học không bị gián đoạn, đúng với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” mà Bộ GD-ĐT đã đề ra. Thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, trên địa bàn BR-VT còn hàng chục ngàn HS thiếu thiết bị để học trực tuyến. Những ngày qua, mặc dù các huyện, thị xã, thành phố quan tâm và có những giải pháp thiết thực hỗ trợ thiết bị học trực tuyến nhưng vẫn chưa thể “phủ máy tính” cho số HS có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nên, nếu có sự chung tay của cộng đồng, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, việc giải bài toán “thiếu thiết bị học tập” cũng không quá khó khăn. Một chiếc máy tính, máy tính bảng cũ hoặc mới gửi đến vào lúc này là nguồn động viên to lớn, mang ý nghĩa tiếp sức đến trường, “thắp sáng ước mơ” cho những HS gặp khó khăn trong cuộc sống. Tài trợ hoặc cung cấp gói cước viễn thông giá rẻ, đường truyền ổn định cũng là cách để các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông chung tay tiếp sức cho những HS khó khăn yên tâm học tập, đúng với tinh thần “không một HS nào bị bỏ lại phía sau”.

Kết hợp truyền hình và trực tuyến để dạy và học là giải pháp thích hợp trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với một bộ phận HS không đủ điều kiện và khả năng tiếp cận học trực tuyến thì dạy và học qua truyền hình là phương thức hỗ trợ phù hợp và tốt nhất. “Học qua truyền hình tương tác kém hơn học trực tuyến nhưng khả năng tiếp cận công bằng hơn, phù hợp với những gia đình khó khăn hoặc các HS còn nhỏ, thậm chí tốt hơn học trên điện thoại di động”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Bộ GD-ĐT đang lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng, học liệu phục vụ học trực tuyến, học trên truyền hình. Đây là lúc Sở GD-ĐT phối hợp với Đài PTTH tỉnh sản xuất các bài giảng trên truyền hình để HS và phụ huynh có thể theo dõi, học tập. “Trên tinh thần, ít nhất phải có 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình/môn/khối mỗi ngày, nhất là bài giảng cho bậc TH”, theo gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tất nhiên, ngoài phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình, các địa phương có thể sử dụng các “kênh” khác để đưa nội dung giảng dạy đến HS như qua sóng phát thanh, USB hoặc trên các nền tảng số…

Xin được nhấn mạnh rằng, thế mạnh của truyền hình là độ phủ sóng rộng. Trong điều kiện không có đường truyền Internet và các thiết bị di động thông minh, HS vùng sâu, vùng xa cũng có thể học được. Sau buổi phát sóng đầu tiên, có thể phát lại bài giảng đó vào một khung giờ khác, phát lại nhiều lần hoặc đưa lên YouTube để những HS không kịp theo dõi trên truyền hình có thể học lại kỹ hơn.

Vẫn biết học trực tuyến kết hợp học qua truyền hình không thể hiệu quả như khi học trực tiếp nhưng trong thời điểm hiện nay, đây là phương án tốt nhất giúp các em HS không gián đoạn việc học. Vậy nên, sẽ vô cùng ý nghĩa nếu cả cộng đồng tích cực hưởng ứng cuộc vận động, quyên góp, trao tặng, hỗ trợ trang thiết bị, công cụ học tập cho HS không có thiết bị học tập trực tuyến. Đó chính là cách tiếp sức đến trường thiết thực, giúp các em hoàn thành tốt năm học đặc biệt của đời người.

TRƯƠNG TÙNG

 

 

;
.