Ra khỏi nhà, sau 2 tháng giãn cách, gặp người dân xa lạ mà ngỡ như người thân. Cả con phố vốn đã vắng lặng trong hơn 70 ngày giãn cách, tự nhiên gần gũi đến lạ. Như người quen trở lại.
Cụ già đầu phố có chòm râu bạc rắng, thường hay bày biện trà bắc, ngồi nhâm nhi thuốc nước với các bác trong phố vào mỗi buổi sáng. Mấy tuần trước, khu phố của cụ phong tỏa. Sáng sáng đi làm, chỉ thấy dây phong tỏa chằng qua cửa, chẳng thấy bóng người đâu. Cứ như thiếu đi một thứ gì đó, rất quen, rất gần. Nay lại thấy cụ đã bày trà trước cửa, ngồi uống một mình, trên bộ ghế đá đã im ắng 2 tháng nay. Ánh nắng dịu nhẹ của sớm mai trườn qua lá cây sa - kê, ngó xuống cụ già đang cô đơn bên bình trà vẫn tỏa hương.
Có ai đó nói rằng, ngày thường chán ngấy mấy cảnh kẹt xe. Những ngày dịch quét qua, lại thèm được thấy cảnh chen chúc nhau ở ngã ba, ngã tư. Có lẽ cùng vì cái cảm giác quen thuộc, vốn đã đi vào lòng như một phản xạ có điều kiện.
Trở lại sau hơn 2 tháng tách biệt, những thứ ta quen thuộc trong phút chốc bỗng như có tâm hồn. Những hàng cột điện, những ngôi nhà hé cửa, những rặng cây ngày thường bám đầy bụi, nay như đang ca hát. Giống như phép nhân hóa mà nhà thơ Trần Đăng Khoa trong phút giây mẫn cảm nhất đã tìm ra: ...“Lúa biết đi/ Chuyện rầm rì/ Rung rinh sóng/ Làm xáo động/ Cả rặng cây/ Làm lung lay/ Hàng cột điện”...
Cuộc sống bình thường thật đẹp. Chỉ là ta chưa nhận ra hoặc đã vội lãng quên.
Chị đi làm à! - Lời chào làm tôi bối rối. Cả cái chung cư gần 1.000 người sinh sống, ngày thường hầu như tôi chẳng quen ai. Thảng hoặc mới có dịp mỉm cười với một ai đó chung tầng, gặp ở thang máy. Lâu lâu mới có dịp véo má đứa trẻ trong căn hộ của gia đình 4 người sát bên chỗ tôi ở. Mà cái gia đình 4 người đó, 2 tháng nay cũng đóng cửa im lìm. Chỉ thấy ánh điện trong nhà hắt qua ô cửa nhỏ xíu được chắn bằng tấm kính cường lực.
Dịch mà. Nhà nào chẳng vậy!
Thậm chí, đến cả chuyện đi thang máy trong những ngày dịch cũng trở nên đặc biệt. 10 ngày trước, có lần tôi bấm thang. Khi thang vừa mở cửa, tôi bước vào thì một người từ trong miễn cưỡng bước ra. “Chị đi trước đi!”.
Kể cũng buồn, ngày thường, sáng nào thang máy cũng chen nhau. Người đi học, kẻ đi làm. Ai cũng vội. Nay thì người ta sẵn sàng bước ra chỉ để một người được đi trong mỗi lượt. Ngày thường, nhìn thang máy đầy người đã thấy ngán ngẩm. Ngày dịch, đi một mình, nhìn quanh chỉ thấy 4 bức tường inox sáng bóng, bỗng nhiên thấy cũng... ngán ngẩm.
Nhưng có lẽ nhờ những chuyện nhỏ nhặt đó, mà cái chung cư của tôi, nằm ngay ở địa bàn nóng nhất của TP.Vũng Tàu vẫn an toàn trong hơn 2 tháng qua.
Tôi gật đầu mỉm cười trước lời chào của cô gái trẻ trong nhóm kiểm dịch của chung cư. Định nói một lời gì an ủi cô gái trẻ, nhưng cảm thấy thừa. Họ đã làm việc ở đó đều đặn mấy tuần nay. Những ngày trước, việc đầu tiên của cô gái là yêu cầu xuất trình giấy tờ, cắm cúi ghi chép lịch trình đi lại, rồi phát một tấm thẻ để xác nhận, đại loại nội dung là: “người của chung cư”. Chừng đó công việc, mất khá nhiều thời gian buổi sáng. Chẳng mấy khi chúng tôi chào nhau.
Sáng nay, cô gái không còn tỉ mẩn để làm những công việc cũ. Cô vẫn ngồi bên chiếc bàn của nhóm kiểm dịch. Chủ yếu là để hạn chế người ngoài vào chung cư. Cũng vì thế, lần đầu tiên, sau nhiều ngày, tôi nghe một lời chào - rất gần gũi, của những người sống quanh ta. Của một người ở chung cư mà tôi chưa từng quen. Và có lẽ, cũng sẽ không quen nếu không có những ngày cả chung cư bên nhau chống dịch.
THU THẢO