Đằng sau câu chuyện đi lại

Thứ Sáu, 24/09/2021, 03:09 [GMT+7]
In bài này
.

Gió sượt qua tai mát lạnh. Cảm giác chạy xe máy trên phố hôm nay khác hẳn tất cả những ngày trước. Nhìn cháu bé nhảy chân sáo trên vỉa hè, dường như sự tươi trẻ đang trở lại đâu đây trên từng con đường. Nhiều cánh cửa vẫn đóng. Đây đó một vài cửa hàng đã bắt đầu việc lau dọn, sơn phết, chuẩn bị cho một cuộc trở lại đầy kỳ vọng.

Hơn 60 ngày “ở yên trong nhà để phòng dịch”, người dân vui mừng được giảm độ đậm của Chỉ thị 16 để về với Chỉ thị 15 trong tâm trạng hồi hộp và “thăm dò”. Các văn bản quy định của chính quyền có chi tiết bao nhiêu thì không thể bao bọc hết mọi tình huống của thực tế cuộc sống.

Tôi có được đi hớt tóc không? Tôi có bộ vest bỏ hấp ngoài tiệm từ 2 tháng trước chưa lấy về giờ ra lấy có được không? Tôi từ Bà Rịa muốn về Vũng Tàu thăm mẹ tôi gần 90 tuổi đã 2 tháng nay không gặp thì xin phép ai, ở đâu? Tôi ở phường 7, giúp việc nhà cho gia đình ở phường 3, bây giờ tôi có thể đi lại để tiếp tục công việc được chưa? Tôi làm việc ở Vũng Tàu, nhà tôi ở Xuân Sơn, Châu Đức. Tôi muốn về Vũng Tàu tiêm chủng theo chỉ định của công ty thì có cần phải có giấy đi đường hay không? Ai cấp cho tôi: Công ty hay xã?

Hàng loạt câu chuyện liên quan đến đi lại, thậm chí gây tranh cãi gay cấn trong các nhóm chat zalo riêng tư hoặc ngay cả trên các trang mạng xã hội với đáp án “được”, “không” vẫn chưa có hồi kết. Ngay cả trong gia đình cũng bàn luận “nên” hay “không”; thế nào là “thật sự cần thiết mới ra đường”?

Một cuộc phỏng vấn bỏ túi với các thành viên trong một gia đình - đại diện cho các thế hệ - mới thấy định nghĩa “thật sự cần thiết” thật là phong phú. Ông Nội ngoài 80 tuổi cần thay cặp mắt kính chữ vì “dạo này coi ti vi quá mắt lên độ”. Bà Nội chỉ mong nhanh nhanh đi tìm mua bộ pin đặc biệt để thay vào chiếc máy trợ thính cho bà. Chị con dâu bán hàng online cần ngay cái máy tính cầm tay để cộng tiền hàng. Chị còn muốn anh chồng mua thay đoạn ống nước và bộ đầu nối vòi nước trong phòng tắm. Anh chồng bảo, “thôi chưa cần thiết, tạm xài chung phòng tắm, chừng nào hết Chỉ thị 15, qua 19, bố mua bóng đèn thay đèn sân thì sửa hệ thống nước luôn thể. Cái bố cần nhất bay giờ là phải đi hớt đầu tóc đã quá dài và tuyển ngay 2kg cà phê hạt nguyên chất để qua tuần bố đi biển mang theo”. Hai con của anh chị thì thổ lộ, “con muốn đến trường, con muốn gặp bạn bè. Hơn nữa học online một số môn con thấy thực sự khó đạt kết quả tốt”.

Đi ra đường để mua sắm những vật dụng sinh hoạt cá nhân và gia đình. Để tiếp tục công việc mưu sinh. Để giải tỏa các nhu cầu về mối quan hệ và trợ giúp gia tăng độ lạc quan về tinh thần trong những ngày chống dịch. Học hành, việc làm. Tất cả đều  là thiết yếu. Tất cả những điều đó không hề xa lạ trong cuộc sống con người. Nhưng khi nhắc đến quyền chính đáng để được đi ra đường, mọi người cũng không nên quên mục đích của việc hạn chế đi ra đường thời điểm này. Đó là một trong những yêu cầu của việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể vi rút SARS-CoV-2 nhằm bảo vệ tính mạng của mọi người dân trước đại dịch COVID-19.

Theo nhận định của BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021 đến nay, biến thể vi rút Delta lây lan rất nhanh và mạnh. Để ứng phó với tình huống này, giãn cách xã hội là một trong những giải pháp mang tính chất quyết định ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Trong suốt gần 60 ngày thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh, lực lượng chống dịch đã có khoảng thời gian quý báu, khẩn trương thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng để nhanh nhất đánh giá được toàn cảnh tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Trên cơ sở đó đưa ra các nhóm giải pháp ứng phó có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời và hiệu quả từng bước phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.

Trong rất nhiều cuộc họp về chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh luôn nhấn mạnh, quan trọng nhất trong phòng chống dịch là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm. Bởi nếu dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của cộng đồng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến cũng từng phân tích, “trong cuộc chiến chống lại “giặc COVID-19”, dù là chiến lược nào, giải pháp nào thì vai trò, vị trí của người dân vô cùng quan trọng. Nếu không có sự ủng hộ, hưởng ứng, tuân thủ của người dân, chúng ta khó có thể kiểm soát dịch bệnh. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân với cộng đồng và với sự sống còn của cả dân tộc”.

Thực tế chống dịch tại tỉnh BR-VT với những kết quả bước đầu của suốt quá trình kiên trì thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg “sớm một bước, cao hơn một mức”, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Để bảo vệ và phát huy những kết quả đạt được, việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ tiết giảm các nhu cầu không chỉ có giá trị về mặt y học, giữ sức khỏe cho mọi nhà, mà còn là việc làm có ý nghĩa lớn lao về mặt tạo môi trường an toàn cho tái sản xuất, khôi phục nền kinh tế của tỉnh. Do vậy, nhu cầu - dù thiết yếu hay không, nếu vẫn có thể tiết chế được, xoay xở được, thì hãy cho nhau, như một cơ hội của chiến dịch ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát trên các vùng xanh mà tỉnh BR-VT đã kiên trì bảo vệ. Đó cũng chính là liều thuốc quý, chỉ có trong mỗi chúng ta, những người công dân có nghị lực và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.

NGỌC MINH

 

 

;
.