Lời giải cho bài toán cũ

Thứ Năm, 30/09/2021, 00:22 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần qua, anh Hiệp, chủ trại chăn nuôi heo tại thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức nhận được cuộc điện thoại từ một người khách quen. Cuộc điện thoại mang đến cho anh niềm vui khôn tả, đó là bà Hương - một thương lái thông báo sẽ thu mua toàn bộ đàn heo 40 con quá lứa hơn 1 tháng với “giá thị trường”. Như một luồng gió mát, anh Hiệp đã giải tỏa nỗi lo món nợ ngân hàng đầu tư cho lứa heo còn treo lơ lửng.

Thông tin từ các địa phương những ngày gần đây cũng cho thấy, hàng loạt nông sản ứ đọng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua bắt đầu được khơi thông trở lại khi tỉnh chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15. Việc vận chuyển thuận lợi hơn khi dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát đã kết nối nhiều đầu mối trong chuỗi nông sản bị đứt gãy lâu nay. Chợ truyền thống hoạt động cũng mở lại kênh tiêu thụ  rau, củ, quả, thủy hải sản nuôi trồng tại các địa phương trong tỉnh. Đây là tín hiệu tích cực để nông dân chuẩn bị vụ sản xuất mới, lớn nhất trong năm, đó là thị trường Tết cổ truyền.

Trên thực tế, không hẳn là việc thực hiện Chỉ thị 15 đã giải quyết toàn bộ nông sản ứ đọng. Kết quả này còn là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và DN trong việc hỗ trợ, tiêu thụ nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng qua. Cũng không thể không nhắc đến kênh kết nối tiêu thụ rất hiệu quả trên các trang thương mại điện tử của Bưu điện tỉnh (postmart.vn) và Viettel Chi nhánh BR-VT (voso.vn)… Kết quả  này cũng khẳng định, nếu tích cực chủ động vào cuộc thì nông sản sẽ tìm ra hướng đi nhất định.

Tuy nhiên, các giải pháp kết nối tiêu thụ kể trên mới chỉ là tình thế, thích ứng với các tình huống bất ngờ như dịch COVID-19 hay rủi ro khác về thị trường, thiên tai. Bởi trên thực tế, cũng không phải đến đợt dịch COVID-19 mới xuất hiện trở lại câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Và nỗi lo của anh Hiệp - chủ trại heo ở xã Đá Bạc cũng như bao nông dân khác sẽ vẫn còn kéo dài từ mùa này sang mùa khác nếu không có hướng đi bền vững.

Rõ ràng, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp khi mà các mắt xích trong chuỗi tiêu thụ nông sản chưa hoàn toàn trơn tru và bền vững, nhất là trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. Những tồn tại, hạn chế lâu nay như sản xuất manh mún, theo phong trào, mạnh ai nấy làm… sẽ là rào cản lớn cho ngành nông nghiệp. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu hay kể cả trong nước ngày càng yêu cầu cao hơn về hàng rào kỹ thuật và các tiêu chuẩn an toàn. Cho nên, phải tính đến thay đổi cách thức tổ chức sản xuất và phân phối, mở rộng thị trường bài bản và chuyên nghiệp hơn. Việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến siêu thị, xuất khẩu là việc không thể chậm trễ nữa. Phải nhanh chóng hình thành nền nông nghiệp quy mô lớn với vai trò chủ đạo của DN nông nghiệp công nghệ cao. Ở đó còn là sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước thúc đẩy xây dựng hệ thống kho lạnh, logistics, công nghiệp chế biến sâu... Bài toán cũ, lời giải cũ, nhưng nếu không tích cực, chủ động thay đổi thì vẫn còn những lời kêu gọi hỗ trợ, giải cứu trên cánh đồng!

NGÔ GIA

 

;
.