Chăm sóc tốt nhất cho trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19

Thứ Ba, 28/09/2021, 20:43 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần qua, ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ LĐTBXHNguyễn Thị Hà đã ký Công văn số 3234/LĐTBXH-TE gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.

Tại Công văn số 3234, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do đại dịch COVID-19, nguyện vọng của trẻ em và người giám hộ của trẻ em để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp. Ngoài các chính sách hỗ trợ hiện hành, Bộ LĐTBXH còn đề xuất hỗ trợ từ nguồn Qũy Bảo trợ trẻ em cho con của sản phụ bị nhiễm COVID-19; trẻ em có cả cha và mẹ tử vong vì nhiễm COVID-19; có cha hoặc mẹ tử vong vì nhiễm COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn.

Đáng lưu ý, Bộ LĐTBXH đề nghị các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương thực hiện việc chăm sóc thay thế cho các em theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, bởi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. 

Việc ban hành Công văn số 3234 của Bộ LĐTBXH ở thời điểm này được coi là kịp thời và cần thiết, khi mà số trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 đã lên đến cả ngàn trường hợp. Chỉ riêng TP.Hồ Chí Minh, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tính đến đầu tháng 9/2021 đã là hơn 1.500 trường hợp. Tại BR-VT, tuy chưa nhiều, hiện cũng đã được quan tâm, chăm sóc từ chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể và các nhà hảo tâm; nhưng về lâu dài cũng cần có kế hoạch phù hợp đối với từng trường hợp, hoàn cảnh khi mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa đến hồi kết thúc, có thể tiếp tục diễn biến khó lường.

Đầu tháng 9 vừa qua, câu chuyện thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, trợ lý Quân khí, Bí thư Đoàn cơ sở Quân sự TP.Thủ Đức (Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh) lặn lội tìm kiếm thông tin gia đình của cháu P.T.B.C (4 tuổi) mồ côi mẹ do nhiễm COVID-19 đã gây xúc động mạnh. Hình ảnh thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cùng xe của đơn vị đưa cháu P.T.B.C cùng tro cốt của mẹ cháu về bàn giao cho chính quyền phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu và đại diện người thân tạm thời nuôi dưỡng cháu đã ám ảnh nhiều người và dấy lên sự thương cảm đối với cộng đồng, xã hội.

Cháu P.T.B.C còn may mắn hơn nhiều hoàn cảnh khác khi có người thân của mẹ. Bên cạnh đó, cháu còn được thiếu tá Nguyễn Trung Kiên nhận bảo trợ đến năm 18 tuổi do hoàn cảnh người thân của cháu cũng vô cùng khó khăn. Nhưng, vẫn còn đó, nhiều trường hợp trẻ em mồ côi do COVID-19 mất tất cả người thân chỉ trong thời gian ngắn, có bé chỉ vừa được sinh ra đã không còn cả bố lẫn mẹ… các em cần được hỗ trợ cho cả chặng đường dài phía trước để trưởng thành.

Trong một hội nghị chuyên đề gần đây, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là phải để các em được sống trong môi trường gia đình, sống với người thân, cộng đồng nơi các em sinh ra.

Ông Nam nhấn mạnh, nguyên tắc chung của Luật Trẻ em nêu rõ trẻ em chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình. Khi các em mất môi trường gia đình, mất cha mẹ không có sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ thì sẽ tìm kiếm sự chăm sóc từ người thân. Khi không có người thân thích thì có thể tìm tới một cá nhân, một gia đình khác có nhu cầu chăm sóc. Nhà nước sẽ hỗ trợ và vận động các nguồn xã hội hóa để bảo đảm cho các em được chăm sóc tại gia đình.

“Giải pháp đưa các em về nuôi dưỡng tập trung ở cơ sở tập trung, các cơ sở nuôi dưỡng dài hạn… chỉ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp kia không thực hiện được,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Tuy nhiên, để bảo đảm về lâu dài cho trẻ em, khi mà đại dịch COVID-19 có thể còn diễn biến khó lường, rất cần đến một chính sách dài hạn giúp các em vượt qua khó khăn, được chăm sóc đầy đủ nhất đến lúc trưởng thành, để các em có thể tự lập sau này. Trước mắt, theo đề nghị của Bộ LĐTBXH, các địa phương cần khẩn trương có kế hoạch cụ thể về hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng cho nhóm trẻ em mồ côi do COVID-19.  Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bao gồm cả việc bảo đảm quyền học tập của các em theo đúng các quy định của pháp luật về trẻ em, pháp luật về giáo dục, trong đó có quy định về giáo dục hoà nhập. Chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, hướng dẫn thủ tục hành chính cần thiết cho các DN, cá nhân có mong muốn thành lập các cơ sở bảo trợ trẻ em để tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc các em.

LINH TRẦN

;
.