.

Cần lắm ý thức và trách nhiệm cộng đồng

Cập nhật: 19:59, 03/09/2021 (GMT+7)

Mấy ngày qua dư luận bức xúc trước vụ việc một nhóm tài xế của Công ty CP đầu tư xây dựng TN khai báo gian dối, dùng giấy xét nghiệm âm tính giả để “thông chốt”. Cụ thể, những người này trên đường từ tỉnh Bình Dương về Bà Rịa-Vũng Tàu, khi qua chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở Đồng Nai và trên QL51 (TX. Phú Mỹ) đã không khai báo việc bản thân có kết quả kiểm tra nhanh dương tính COVID-19 ngày 28/8, mà sử dụng kết quả âm tính COVID-19 của ngày 26/8 để qua chốt. Hiện vụ việc được UBND tỉnh giao Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xử lý.

Một vụ khác tương tự cũng vừa xảy ra khiến nhiều người lo lắng. Đó là trường hợp Vũ Tiến Giang (47 tuổi, HKTT tại Thái Bình) vào ngày 22/8 đã tự điều khiển xe mô tô di chuyển từ nơi sinh sống tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh về nhà người quen ở phường 11, TP. Vũng Tàu để ở nhờ. Mặc dù không được phép của cơ quan chức năng, nhưng Vũ Tiến Giang vẫn lợi dụng đêm khuya, trời tối sử dụng xe mô tô, treo 2 ổ bánh mì trên đầu xe nhằm ngụy trang việc di chuyển trái phép của mình, để về nhà người quen ở phường 11. Người này cũng  không tự giác khai báo y tế, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh cho người dân chung quanh.

Sự khai báo gian dối và không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của những người nêu trên ảnh hưởng lớn đến thành quả phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền và toàn thể người dân trong suốt thời gian qua. Hành động này đáng lên án và cần xử lý nghiêm. Theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, dịch bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm kịp thời để ổn định cuộc sống, bảo đảm sức khỏe của người dân.

Vì vậy, các vi phạm như: không tuân thủ quy định về cách ly, trốn tránh khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối các thông tin dịch tễ cần xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở mức độ xử phạt hành chính, người khai báo thông tin gian dối liên quan dịch bệnh sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng theo Điều 7, Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Còn trường hợp người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Điều 240 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi khai báo gian dối bị coi là trường hợp thực hiện “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, bị phạt từ 1 - 5 năm tù.

Hiện nay, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tận dụng tối đa “thời gian vàng” khi thực hiện giãn cách xã hội để phấn đấu đến ngày 8/9 trên địa bàn tỉnh chỉ còn một vùng đỏ của TT. Long Hải và một vùng vàng của xã Phước Hưng, còn lại là vùng xanh.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài nỗ lực các cấp, các ngành thì ý thức của người dân trong phòng, chống dịch thực sự rất quan trọng. Vì chỉ cần một vài cá nhân thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm, không tự giác khai báo y tế, không tự giác cách ly hoặc một số cá nhân lơ là, chủ quan, không thực hiện tốt công tác phòng chống dịch là có thể làm bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Do vậy, mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”. Có như vậy mới sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về trạng thái bình thường mới.

PHÚC MINH

.
.
.