.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh

Cập nhật: 22:39, 27/08/2021 (GMT+7)

Báo cáo của Hiệp hội DNVVN tỉnh gửi UBND tỉnh và Hiệp hội DNVVN Việt Nam mới đây cho thấy, dịch bệnh khiến các DN đứng trước những khó khăn chưa từng có. Không chỉ khó về vốn, nhân sự, công nghệ, mà DN đặc biệt khó về đầu ra. Có những DN giảm tới 60% doanh thu, thậm chí không có doanh thu như lĩnh vực kinh doanh dịch vụ-du lịch, nhà hàng, khách sạn do phải đóng cửa. Trên cả nước, 7 tháng năm 2021, có tới 79,7 ngàn DN trên cả nước đã rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đối phó với dịch bệnh, sức đề kháng là vô cùng quan trọng. Đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, rộng khiến nhiều DN cần những "liều thuốc" hỗ trợ hơn bao giờ hết. Trong 2 năm qua, Chính phủ đã 2 lần hoãn, giãn nộp thuế cho DN. Ngày 13/8, Chính phủ đã công bố dự thảo đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp về thuế hỗ trợ DN và hộ kinh doanh khắc phục khó khăn do COVID-19. Trong đó điểm nhấn chính là gói miễn, giảm thuế lên tới 20.000 tỷ đồng. Tính chung các chính sách miễn giảm thuế thực hiện từ đầu năm 2021 và đang được đề xuất bổ sung thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho DN, người dân lên tới hơn 138 ngàn tỷ đồng.

Mới đây, Bộ KH-ĐT cũng đã trình Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Sẽ có khoảng 1 triệu lượt DN được hỗ trợ tín dụng, 160 ngàn DN được gia hạn, miễn, giảm thuế, phí. Mục tiêu của nghị quyết là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sớm kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh và có khoảng 50.000 DN sẽ quay trở lại hoạt động trong năm 2021.

Các quyết sách được đề xuất nhằm giảm thiểu ách tắc trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại từ tác động tiêu cực của dịch bệnh đến khu vực DN với 4 nhóm giải pháp chính. Nhóm giải pháp thứ nhất là áp dụng biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin gồm người lao động của DN tại vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, KCN, CCN… Thứ hai, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho các DN. Nhóm giải pháp thứ tư về lao động và chuyên gia, Chính phủ yêu cầu các bộ áp dụng linh hoạt và nới lỏng các điều kiện cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.

Những chính sách này được đánh giá là mạnh mẽ, kịp thời, sẽ giúp cộng đồng DN, hộ cá nhân kinh doanh "hồi sức" sau dịch bệnh. Nói cách khác, đây là những chính sách đúng, trúng để DN có đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng, không để rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này cần được triển khai gấp rút, nhanh chóng đưa vào cuộc sống. Đồng thời không có sự phân biệt DN lớn với DN nhỏ; nên tạo nhiều cơ chế để phát huy tối đa nguồn lực các DNVVN đang hoạt động. Bởi DN cũng được ví như là những tế bào của xã hội, khi tế bào ốm yếu thì cơ thể không bao giờ khỏe mạnh. Do đó, cần phải có một “liều thuốc” đủ mạnh để giúp DN đủ mạnh, cùng góp sức thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

NGÔ GIA

.
.
.