.

Giảm tải cho mô hình "đi chợ hộ"

Cập nhật: 21:57, 29/08/2021 (GMT+7)

Những ngày tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại các tỉnh, thành phố xuất hiện nhiều hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, trong đó mô hình “đi chợ hộ” được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giúp người dân yên tâm “ai ở đâu ở đó”.

Tại BR-VT, trong bối cảnh “tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 cứng rắn, dứt khoát và triệt để hơn trong 14 ngày”, nhiều địa phương - đặc biệt là TP. Vũng Tàu đã triển khai mạnh mẽ mô hình “đi chợ hộ”. Thành phố quy định từ 23/8, mỗi phường, xã thành lập 1 tổ đi chợ hộ (từ 5-10 người) để thực hiện nhiệm vụ đi chợ hộ cho người dân trong trường hợp thật sự cần thiết. 

Chị Nguyễn Thanh Lam (ngụ tại phường 11, TP. Vũng Tàu) chia sẻ với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu rằng, chị lo tổ đi chợ hộ khó đáp ứng nổi nhu cầu trong những ngày sắp tới. Nhằm giúp người dân chủ động hơn trong việc mua hàng, theo chị thành phố vẫn nên duy trì mỗi khu phố có 1 tổ đi chợ hộ cho người dân trong khu phố, nhưng với tần suất 1 lần/tuần để bảo đảm giãn cách, giảm tải cho đội ngũ tình nguyện xã, phường. Băn khoăn của chị Nguyễn Thanh Lam cũng là “tiếng lòng” của nhiều người dân TP. Vũng Tàu. Thực tế những ngày qua cho thấy, phương thức “mỗi xã, phường có 1 tổ đi chợ hộ” bộc lộ những bất cập.

Đầu tiên, vẫn là nhân lực. Dù tràn đầy trách nhiệm, tâm huyết, chấp nhận vất vả nhưng lực lượng các xã, phường mỏng rõ ràng là một hạn chế trong việc đi chợ hộ cho người dân. Số hộ dân được tiếp cận chưa nhiều, giao hàng trễ, hàng giao thiếu so với yêu cầu là những điều dễ nhận thấy ngay từ lúc triển khai.

Chính ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cũng thừa nhận, do lực lượng mỏng, những phường đông dân cư đã xảy ra tình trạng quá tải đơn hàng đi chợ hộ. Do vậy, thành phố đã yêu cầu các tổ đi chợ hộ ưu tiên những gia đình không tiếp cận được hàng hóa qua các hình thức trực tuyến (online), đồng thời khuyến khích người dân đặt hàng qua các trang bán hàng trực tuyến. Thế nhưng, việc đặt hàng trên hệ thống online của các siêu thị cũng không dễ vì tình trạng quá tải, không đặt được hàng. Mà nếu đặt hàng thành công thì 1-2 ngày sau cũng chưa có hàng.

Những ngày tới, việc “đi chợ hộ” sẽ còn khó khăn hơn khi số lương thực, thực phẩm mà người dân dự trữ từ trước cạn dần, cần phải mua thêm. Trước sức ép của công việc, các tổ đi chợ hộ cần được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Trong vấn đề này, bên cạnh lực lượng nòng cốt như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, dân quân tự vệ… các xã, phường có thể “nhắm” đến những người đã được chích vắc xin ngừa COVID-19 đề nghị hỗ trợ. Với khả năng miễn dịch trước COVID-19 tiếp tục duy trì trong khoảng 6 tháng, những người này có thể trở thành lực lượng phục vụ việc “đi chợ”, góp phần giảm bớt áp lực đang đè nặng các tổ đi chợ chỉ với 10-15 người ít ỏi. Những F0 khỏi bệnh cũng là một lực lượng đầy tiềm năng chia sẻ gánh nặng và áp lực với tổ “đi chợ hộ” các xã, phường. Nhờ có “tấm khiên miễn dịch”, các F0 khỏi bệnh và khỏe mạnh sẽ giúp tổ đi chợ trong tất cả các khâu tiếp nhận - đi chợ - giao hàng.

Một giải pháp quan trọng góp phần giúp mô hình “đi chợ hộ” có hiệu quả là “mượn” hạ tầng công nghệ của các ứng dụng giao hàng như Grab, Loship hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân. Khách quan mà nói, tình trạng ùn ứ đơn hàng hiện nay có phần nguyên nhân từ việc xử lý đơn hàng bằng thủ công và nếu có sự hỗ trợ của công nghệ thì số đơn hàng được giao trong ngày có thể nhanh hơn, nhiều hơn. Tất nhiên bên cạnh đó, lực lượng chức năng và các địa phương cũng cần ứng dụng linh hoạt các mô hình, liên kết các nhà cung ứng hỗ trợ nguồn hàng, không để khâu cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của người dân.

“Đi chợ hộ” là một mô hình hay, thực sự cần thiết vào lúc này. Nếu các biện pháp tháo gỡ được triển khai, có thể giúp cải thiện dần tình trạng quá tải khi đi chợ hộ, giúp người dân an tâm thực hiện giãn cách, góp phần phòng chống dịch có hiệu quả.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

.
.
.