Những mắt xích cơ sở
Phải những ngày trong khu chung cư phong tỏa, tôi mới biết có rất nhiều nhóm được hình thành nơi mình sống. Nhóm toàn chung cư, nhóm mỗi block, nhóm riêng từng tầng. Thiếu cọng rau, trái ớt, củ hành, ngay lập tức được kịp thời hỗ trợ, chia sẻ. Chỗ nào mua rau rẻ, ngon, an toàn… cũng được các chị em mách bảo cho nhau. Những đơn hàng cũng được í ới trên nhóm rủ nhau mua chung để vừa đỡ tiền ship, vừa giảm mật độ khi nhiều gia đình cùng đi lấy sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
2 ngày qua, các chị em cùng tầng lại nhắn cho nhau các “tổ đi chợ hộ” do phường tổ chức. Ban đầu khá ngần ngại vì nghĩ, khu phố tôi có hàng ngàn hộ dân, mà tổ đi chợ chỉ có 3 người. Thêm mỗi đơn hàng là thêm sự vất vả cho các chị. Đó là chưa kể, việc đi chợ, siêu thị cũng đối mặt nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh với bản thân và gia đình của họ. Nhưng ở khu phong tỏa, việc ship hàng từ ngoài vào cũng không mấy dễ dàng nên tôi đã nhắn tin, ngay sáng hôm sau những mặt hàng cần mua đã được chuyển đến nơi.
Trước đó, ngay từ những ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phường Nguyễn An Ninh đã soạn sẵn một danh sách dài các siêu thị, cửa hàng thực phẩm bán online. Một danh sách khác, liệt kê các loại rau củ quả, thịt cá, gia cầm…; kèm theo giá cả chi tiết để người dân chủ động trong việc lên thực đơn. Phía dưới là tên, số điện thoại của đội tình nguyện đi chợ hộ của phường. Nhờ sự hỗ trợ này, nguồn lương thực, thực phẩm đã được chuyển đến kịp thời, giúp người dân trong chung cư phong tỏa an tâm "ở đâu ở yên đấy".
Có hàng trăm chị em phụ nữ, đoàn viên thanh niên, tổ dân phố… đang nỗ lực vừa bảo đảm công tác phòng dịch tại địa phương vừa hỗ trợ tốt người dân trong khâu đi chợ, mua sắm những ngày giãn cách này. Từ thịt cá, rau củ, sữa, gia vị cho tới bỉm tã, băng vệ sinh cho chị em cũng được các tổ đi chợ hộ vui vẻ tìm mua giúp... Họ phần lớn là các cán bộ hội, đoàn thể được huy động, thậm chí tự nguyện tham gia mà không có lương, không thù lao. Thậm chí, ngay cả những bác bảo vệ ở chung cư nơi tôi sống, từ ngày giãn cách, phong tỏa đã kiêm luôn nhiệm vụ vận chuyển các túi đồ thực phẩm đến các khu nhà, lắp bình gas, điều phối test COVID-19…
Họ là những người tuyến cuối - mắt xích vô cùng quan trọng trong những ngày cam go của cuộc chiến chống dịch COVID-19, là "lá chắn" đang hoạt động không ngừng nghỉ, bảo vệ cho từng tổ dân cư, từng gia đình được an toàn.
Những ngày sắp tới, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại BR-VT được triển khai với những yêu cầu cao hơn, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn. Một trong những yêu cầu Công điện của Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng nêu rõ, để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, cần đẩy mạnh huy động sự tham gia của nhân dân; mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc… Do đó, tất cả các biện pháp chống dịch phải làm rất đồng bộ, không chỉ y tế mà các lực lượng khác và toàn xã hội, được phối hợp chặt chẽ, vận hành nhịp nhàng như một cỗ máy. Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trong cỗ máy đó, chắc chắn không thể thiếu vai trò cán bộ cơ sở, những tình nguyện viên mỗi tổ dân phố, hội đoàn thể, thậm chí là bác bảo vệ ở chung cư…
NGÔ GIA