Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Vụ Đông Xuân năm nay, nhiều nông dân tại xã An Nhứt, huyện Long Điền tỏ ra khá thích thú khi được chứng kiến máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng của mình. Điều này cũng có nghĩa là kể từ nay sẽ không còn hình ảnh họ phải đeo chiếc bình phun xịt sau lưng và thường xuyên hít phải mùi thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường. Thậm chí, hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) cũng giúp máy bay không người lái phát hiện 97% sâu bệnh. Với hệ thống này, lượng thuốc giảm 30%, lượng nước giảm 90% so với trước đây mà đều hơn. Và quan trọng là hệ thống giúp phun tưới chính xác, nơi nào có sâu bệnh hệ thống mới phun tưới và làm giảm dư lượng thuốc trừ sâu, hướng tới nông nghiệp sạch hơn.
Hay như mới đây, nhiều nông dân tại Hải Dương đã livestream bán vải, bán trứng trên sàn thương mại điện tử. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, giờ họ có thể tự mình tạo kênh bán hàng riêng, không thua kém bất cứ một người kinh doanh chuyên nghiệp nào để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Dẫn chứng 2 ví dụ trên để cho thấy, việc chuyển đổi số chính là chìa khóa để giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng qua sàn giao dịch điện tử, loại bỏ khâu trung gian giúp giá cả nông sản ổn định, khó bị thao túng. Bên cạnh đó, thay vì “trông trời, trông đất trong mây”, nông dân thời công nghệ số còn trông dữ liệu, mua dữ liệu để lên kế hoạch gieo trồng cho phù hợp với mùa vụ.
Mới đây, lần đầu tiên Bộ NN-PTNT cùng Bộ TT-TT tổ chức hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy rõ sự quyết tâm của Bộ NN-PTNT trong việc đưa tri thức vào cánh đồng, nhà máy sản xuất. Bộ NN-PTNT cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% cơ sở dữ liệu được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật. 70% công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của ngành hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đồng thời xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số…
Mục tiêu là vậy, quyết tâm là vậy nhưng để đạt được vẫn còn nhiều việc phải làm. Chuyển đổi số nông nghiệp không dễ khi nông dân - chủ thể trong lĩnh vực này không có nhiều lợi thế về công nghệ trong khi gặp nhiều trở lực bởi thói quen canh tác cũ. Nông dân sản xuất vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm định tính, gần như không có thông tin về các thông số trên chính vùng đất canh tác của mình như thời tiết, ánh sáng, lượng mưa hay khoáng chất... Những thách thức này đòi hỏi sự sẵn sàng chủ động vào cuộc của chính nông dân. Nông dân phải mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. “Việc thay đổi dù khó khăn, sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu nhưng với trách nhiệm hàng chục triệu nông dân thì ngành nông nghiệp tạo hệ sinh thái bền vững để trao lại cho thế hệ mai sau hình ảnh nền nông nghiệp hùng cường, phát triển bền vững”, như lời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.