.

Đọc sách mỗi ngày

Cập nhật: 19:43, 18/06/2021 (GMT+7)

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đúng lúc nhiều nơi thực hiện “giãn cách xã hội” không tụ tập đông người để phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng nghiệp báo chí tặng cho nhau những cuốn sách quý kèm thêm bông hoa đẹp. Thế là vui lắm, sách là món quà tinh thần thiết yếu không thể thiếu đối với người làm báo. Năm 2021 cũng như mấy năm gần đây, nhân ngày báo chí, tôi chuẩn bị dăm ba chục cuốn sách hay, bạn đồng nghiệp đến nhà chúc mừng ngày hội truyền thống của người cầm bút, tôi lại trân trọng tặng bạn một vài cuốn sách, những cuốn sách mà tôi cho là thích hợp với nghề báo, nghiệp văn. Và đã thành thông lệ, tôi cũng nhận được từ bạn bè, đồng nghiệp những cuốn sách hay. Tủ sách cá nhân có thêm những cuốn sách quý giúp việc bồi bổ kiến thức, lợi cho nghề.

Gần chục năm trở lại đây, vì lý do khách quan báo A. không duy trì “Tủ sách nhà báo”, theo cách nói của một vài phóng viên “Thư viện tòa soạn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử (!)”. Tuy nhiên, có một thực tế hiển nhiên, thú vui đọc trên không gian mạng không thể thay thế “Văn hóa đọc”, cũng như báo in vẫn cứ tồn tại mãi mãi cho dù nó bị báo mạng cạnh tranh khốc liệt. Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, báo A. quyết định khôi phục lại “Tủ sách nhà báo”, rằng “Thư viện tòa soạn” tiếp tục đồng hành cùng người làm báo. Tôi nhận được thông tin này từ Ban biên tập báo. Quá vui, coi như một món quà quý nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Tôi lập tức chuẩn bị 100 cuốn sách “Đời báo - Nghề báo”, bộ sưu tập “Mười năm Tạp chí Người Làm báo Việt Nam” và có thư đề nghị thư viện Học viện Báo chí & Tuyên truyền chi viện cho  báo A “Tủ sách nghề báo”. những cuốn sách về nghề báo, lịch sử báo chí... Hy vọng, chỉ một thời gian ngắn, các nhà báo và những ai yêu nghề báo có thể tìm đọc nơi đây những cuốn sách quý về nghề báo, đời sống báo chí đương đại.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát đợt mới, cứ cuối tuần tôi lại ghé nhà sách Phương Nam tìm sách mới. Lần nào tôi cũng gặp 2 mẹ con cậu bé chừng 11-12 tuổi đến nhà sách. Chỉ sau khoảng 30 phút, 2 mẹ con cầm trên tay mỗi người một vài cuốn sách đến quầy thu ngân thanh toán tiền. Một lần, bé tranh luận với mẹ cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài và “Đội du kích Đình Bảng” của nhà văn Xuân Sách, tôi thực sự bái phục “sức đọc” và “tư duy về sách” của cậu bé rất đáng yêu.

Mê sách và ham đọc sách - biết cách đọc quả là có ngàn, vạn câu chuyện để nói. Tháng 6/2021, hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đột ngột ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mới 45 mùa xuân “ham học, ham đọc”, một mẫu mực đam mê sách, tấm gương truyền cảm hứng đọc sách và tập luyện thể thao, tài sắc vẹn toàn. Trong căn nhà nhỏ, Nguyễn Thu Thủy dành 1 gian để lưu giữ hàng ngàn cuốn sách quý, coi như những báu vật. Sách không phải để trưng, để cất trong ngăn tủ mà là để đọc, nghiền ngẫm và thu hoạch kiến thức từ sách; sách tạo niềm tin để đứng vững trước bao gian nan và biến cố. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy không chỉ mê đọc sách, mà còn viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Cô thường giành giải thưởng “Người ứng xử hay nhất” trong nhiều cuộc thi sắc đẹp, chính là nhờ yêu sách, biết cách đọc sách.

Trong cuộc sống đương đại có nhiều những tấm gương sáng yêu sách, sống chết cùng sách, với sách, biết cách đọc sách mỗi ngày. Học giả, nhà văn Nguyễn Hiến Lê từng nói: “Trong sách chi chi cũng có. Sách làm thay đổi cuộc đời tôi”. Bạn bè chí cốt đến nhà chơi, trước lúc ra về Nguyễn Hiến Lê tặng một, hai cuốn sách. Năm 2021, nhà báo, nhà văn, dịch giả Phan Quang bước vào tuổi 93, ngày nào ông cũng đọc sách, ít thì 50 trang, nhiều thì 100 trang. Ông nói: “Đọc, nghĩ, viết là sự sống của nghề báo, nghiệp văn”.

Mùa hè, Bà Rịa - Vũng Tàu và giới yêu sách cả nước đang bước vào cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu!”, hoạt động làm giàu thêm ý nghĩa của “Văn hóa đọc” trong cộng đồng. Xin nhắn gửi cho những ai đó chưa yêu sách, chưa có thói quen đọc sách mỗi ngày, hãy kịp đón nhận, tham gia cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu!”.

QUỐC TOÀN

.
.
.