.

Để không còn "ngồi trên lửa"

Cập nhật: 21:14, 10/06/2021 (GMT+7)

Báo BR-VT số ra ngày 26/5 đã diễn tả chân thực nỗi lo lắng của người nuôi heo qua bài viết: “Giá heo hơi giảm, người nuôi như ngồi trên lửa”. Bài báo điểm lại diễn biến giá heo rất bất lợi cho người chăn nuôi từ đầu tháng 5 đến nay. Cụ thể, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển trở nên khó khăn, nhu cầu tại nhiều nhà hàng, khách sạn giảm đáng kể do đóng cửa khiến giá heo hơi trên địa bàn tỉnh liên tục giảm. Người nuôi heo còn “dự báo” với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giá heo hơi sẽ khó tăng trong vài tháng tới.

Như “ngồi trên lửa” là tâm lý chung của người chăn nuôi trong cả nước chứ không riêng gì người nuôi heo ở BR-VT. Giá heo hơi giảm mạnh 20% so với đầu năm xuống mức trung bình 67.000-70.000 đồng/kg trên cả nước đã khiến người nuôi heo ở nhiều địa phương lo lắng, đứng ngồi không yên. Theo lý giải của nhiều chuyên gia, nguồn heo đông lạnh nhập khẩu vẫn còn lớn bên cạnh việc tái đàn trong nước tăng mạnh - đạt hơn 70%, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm, là những nguyên nhân khiến giá heo hơi trong cả nước giảm mạnh thời gian qua.

Thực tế cho thấy người chăn nuôi heo cả nước nhiều phen “ngồi trên lửa” chứ không chỉ một lần. Tình trạng giá cả lên xuống bất thường, “bóng đen” của dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phidịch lở mồm long móng cũng như tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, môi trường ô nhiễm… đã khiến người nuôi heo nhiều phen điêu đứng, lao đao. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng thịt heo năm 2017 khiến mức giá giảm kỷ lục còn 15.000 -17.000 đồng/kg, khiến gần 1 triệu hộ nông dân phải “treo chuồng”. Tại BR-VT, sau đợt khủng hoảng do giá heo xuống thấp kỷ lục, người chăn nuôi heo lại một lần nữa kiệt quệ do cơn “bão” dịch tả heo châu Phi gây ra: Hơn 1.200 con heo phải tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 66 tấn. Nhiều người chăn nuôi heo bị thua lỗ nặng, rơi vào cảnh nợ nần.

Không thể chậm trễ hơn nữa. Đã đến lúc các bộ, ngành chức năng và các địa phương tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo một cách chuyên nghiệp, bài bản và quyết liệt hơn bằng các nhóm giải pháp phù hợp nhằm phục hồi và phát triển tổng đàn heo theo hướng bền vững, an toàn.

Một giải pháp quan trọng được lãnh đạo Bộ NN-PTNT, nhiều chuyên gia chăn nuôi đề cập nhiều trong chiến lược phát triển tổng đàn heo nước ta là cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học và đổi mới phương thức chăn nuôi bằng cách tổ chức liên kết chuỗi chăn nuôi an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trên thực tế, bằng giải pháp này ngành chăn nuôi heo nước ta đã có những chuyển biến mạnh theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp; tăng quy mô chăn nuôi công nghiệp, trang trại năng suất cao. Xây dựng chuỗi liên kết hợp tác bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi cho thấy là một mô hình có hiệu quả, đúng hướng. Theo đó, DN đầu tư giống, thức ăn, thuốc thú y kèm hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi. Ngược lại, nông dân bán sản phẩm cho DN. Mô hình mang lại lợi nhuận cho các bên cùng tham gia chuỗi, bảo đảm cho người chăn nuôi có lời, có thể sống được với nghề. Nhưng, để mở rộng và phát triển chăn nuôi heo theo hướng chuỗi liên kết, cần có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết này theo cơ chế thị trường, quan hệ đối tác sòng phẳng. Thực tế cho thấy, một số DN chưa thật sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi heo khiến mối liên kết thiếu tính bền vững.

Ngành chăn nuôi heo đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, rủi ro. Đó là lý do khiến cho nhiều người chăn nuôi heo không dám mở rộng quy mô, không dám tái đàn. Họ rất cần được cơ quan chức năng tiếp sức, “lấy lại tinh thần” để trụ lại với nghề, với công việc chăn nuôi. Điều mà người chăn nuôi heo mong đợi là được thông tin đầy đủ, kịp thời về cơ chế, chính sách về tái cấu trúc tổng đàn heo, kế hoạch tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực; Đặc biệt là cơ quan quản lý xây dựng được chuỗi giá trị bình ổn thị trường bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, DN và người tiêu dùng. Giá cả của thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng cần được giám sát, quản lý chặc vì đây cũng là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của heo nuôi.

Ngày nào mà ngành chăn nuôi heo vẫn còn loay hoay với cơ cấu nhỏ lẻ, phân tán, không bảo đảm an toàn sinh học, không theo hệ thống chuỗi liên kết, câu chuyện người nuôi heo như “ngồi trên lửa” có lẽ vẫn còn là chuyện dài chưa đi vào hồi kết.

TRƯƠNG TÙNG

.
.
.