Không thể mãi "giải cứu" nông sản
Trước khi “giải cứu” 40 tấn vải cho nông dân tỉnh Bắc Giang, một số cán bộ, công chức Sở Công thương đã thực hiện chiến dịch truyền thông nhỏ nhưng rất hiệu quả trên mạng xã hội Facebook và Zalo. Nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi lời mời mua vải của Sở Công thương và rủ nhau đặt hàng.
Giá cả hợp lý, đúng giá thị trường, lại bảo đảm độ tươi ngon, đúng chuẩn loại 1, được rao bán bởi cơ quan có uy tín nên chỉ sau 1 ngày, lượng người đặt mua vải đã vượt quá nguồn cung. Thậm chí, một số người đã đặt mua nhưng không đủ hàng khiến đơn vị tổ chức phải lên tiếng cáo lỗi hẹn lần sau.
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều ngành kinh tế trong cả nước đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều địa phương có dịch hoặc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế hoạt động tập trung đông người, đóng cửa nhà hàng, quán ăn; hoạt động xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào các quốc gia khác cũng bị hạn chế, dẫn đến nhiều mặt hàng bị tồn đọng, không thể tiêu thụ.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan, đoàn thể như: Sở Công thương, Hội Nông dân, Hội LHPN, hiệp hội doanh nghiệp… các địa phương đã tích cực tổ chức các chiến dịch “giải cứu” nông sản giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt thiệt hại. Những cuộc “giải cứu” xoài cho nông dân Bình Thuận, hành tím cho nông dân Sóc Trăng, khoai lang tím cho nông dân Vĩnh Long, vải cho nông dân Bắc Giang liên tục được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện thời gian qua và được người dân hưởng ứng tích cực.
Điều dễ nhận thấy, các sản phẩm được “giải cứu” nêu trên đều có chất lượng, thương hiệu và hơn hết, nó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, với giá cả phải chăng nên dễ được chấp nhận. Bởi lẽ, không mua hàng “giải cứu”, người dân vẫn phải mua các mặt hàng này để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Hơn nữa, hàng bán trên thị trường có khi còn có giá cao hơn mà chất lượng chưa chắc đã được như hàng “giải cứu”. Ngoài ra, người mua hàng “giải cứu” còn được thỏa mãn tâm lý là ra tay giúp đỡ người khác lúc khó khăn, đúng theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc.
Thế nhưng, khi mà thị trường tiêu thụ bị hạn chế bởi các nhà hàng, quán ăn phải tạm ngừng phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về thì lượng hàng được “giải cứu” chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng hàng còn tồn đọng. Thời điểm này, trái cây các loại đang cao điểm rộ mùa thu hoạch nhưng thương lái không đến vườn thu mua hoặc thu mua số lượng ít, dẫn đến dư thừa, giá giảm. Các mặt hàng thực phẩm như cá bớp, cá chim, tôm kẹt, hàu… của các hộ nuôi lồng bè tại khu vực xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu và cá nước ngọt tại một số hộ nuôi trên địa bàn tỉnh còn tồn hàng trăm tấn. Do đặc thù là thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày, lại khó bảo quản hơn trái cây nên các mặt hàng này cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, bảo quản.
Trước thực trạng này, ngày 11/6, UBND tỉnh đã họp bàn giải pháp tiêu thụ nông sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh và các đại biểu dự họp đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ do dịch bệnh, đây là những giải pháp cấp bách tạm thời nhằm giúp nông dân giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, việc “giải cứu” nông sản chủ yếu dựa trên biện pháp vận động và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm này cũng chỉ có hạn, bởi thực tế đang vào cao điểm chính vụ thu hoạch, địa phương nào cũng tồn đọng hàng hóa.
Giải pháp căn cơ, bền vững vẫn là xây dựng, quy hoạch vùng nuôi, vùng trồng phù hợp với từng loại nông sản để bảo đảm vừa cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, vừa không dư thừa sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, bảo quản, tiêu thụ; nhất là chế biến tinh phục vụ xuất khẩu và bảo quản được lâu, tránh tình trạng sản phẩm chế biến thô quá nhiều hoặc không thể chế biến, dẫn đến tồn đọng, hư hỏng hàng hóa khi có biến cố thị trường. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cả sự hợp tác, tuân thủ nghiêm ngặt trong quy hoạch vùng nuôi, trồng của nông dân.
NGUYỄN ĐỨC