Du lịch sẽ qua cơn "bĩ cực"?
Gần đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người ta càng cảm nhận rõ âm vang giục giã của những chuyến đi lên biển, xuống rừng. Vào thời điểm này, nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Mũi Né, Phan Thiết… đã thông báo hết phòng. Nhiều đường bay nội địa từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đi các điểm du lịch như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt… đều khan hiếm vé. Theo thông báo của Bamboo Airways, các chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh tới Côn Đảo trong 2 tháng 4 và 5 cũng đã bán hết. Rất nhiều người háo hức với cảnh đẹp hoang sơ của Côn Đảo khi mới đây chuyên trang du lịch Travel + Leisure công bố 25 bãi biển đẹp nhất thế giới, trong đó bãi Đầm Trầu, Côn Đảo đứng thứ 18.
Du lịch là một trong những niềm đam mê của nhiều người Việt. Thú vui xê dịch thôi thúc họ thực hiện những chuyến đi để khám phá, trải nghiệm những món ăn ngon, những vùng đất mới. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là dịp để du khách Việt thỏa mãn niềm đam mê sau một thời gian “cuồng chân” do phải ở nhà phòng ngừa dịch bệnh.
Không thể không ghi nhận hàng chục sáng kiến, sự kiện du lịch được tổ chức dồn dập trong 2 tháng 4 và 5 với mục tiêu thu hút du khách, hồi sinh ngành du lịch. Đáng chú ý là Diễn dàn du lịch nội địa được tổ chức tại Ninh Bình từ ngày 14-15/4 với mục đích bàn giải pháp “tiếp sức” hồi sinh thị trường nội địa. Tiếp đó là “Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021” diễn ra từ ngày 16-18/4 và Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2021 diễn ra vào đầu tháng 5.
Mở cửa hoạt động từ ngày 24/4 cho đến ngày 2/5, “Tuần lễ Món ngon phố biển Vũng Tàu 2021” do UBND TP. Vũng Tàu phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn tổ chức hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn, bổ ích. Với các đơn vị kinh doanh, du lịch, đây không chỉ là cơ hội mang đến cho thực khách trong và ngoài nước cơ hội trải nghiệm cùng lúc nhiều món ăn đặc sắc đến từ các vùng miền Việt Nam, mà còn là dịp để quảng bá tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển và khẳng định thương hiệu du lịch của BR-VT.
Những hoạt động sôi động đó cho thấy, ngành du lịch đang tư duy lại, thay đổi trên mọi phương diện, từ cách tiếp cận du khách đến làm mới hệ thống vận hành các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm thu hút và giữ chân du khách. Sau 3 lần gồng mình đối phó với đại dịch, ngành du lịch chịu tổn thương nặng nề - ước tính lên tới 23 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp du lịch giảm sâu doanh thu hoặc đuối sức từ bỏ “cuộc chơi”. Vậy nhưng, những người còn lại vẫn lạc quan nhìn về phía trước. Họ là những cá nhân, tổ chức vô cùng yêu du lịch, sống chết với du lịch, không “bó tay” chờ đại dịch COVID-19 đi qua, mà chủ động để vượt qua nó ngay cả khi nó đang tồn tại. Họ tin rằng, ngành du lịch sẽ sớm vượt qua cơn “bĩ cực” khi lượng khách nội địa lượng tăng trưởng mạnh, nhiều điểm du lịch được “lấp đầy” khách đặt trước. Không ai khác mà thị trường nội địa với gần 100 triệu dân chính là “bệ đỡ” để ngành du lịch sớm phục hồi, bứt phá vượt lên.
Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng luôn hiện hữu, việc “mở cửa” ngay là không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện một cách thận trọng. Với tâm thế đó, hoạt động đón khách, tổ chức các tour tuyến dịp lễ 30/4 và 1/5 và sau đó là tour hè 2021 được các doanh nghiệp triển khai nghiêm túc, vừa phục vụ tốt lượng du khách tăng đột biến vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh. Hơn ai hết, những người làm du lịch hiểu rằng, chỉ cần sơ suất để 1 ca COVID-19 “tái xuất” trong một thành phố du lịch nào đó, cơ hội để hồi sinh ngành du lịch sẽ tuột khỏi tầm tay lần nữa.
Để sớm vượt qua cơn “bĩ cực”, các doanh nghiệp du lịch phải bắt tay liên kết theo tinh thần phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích, xâu chuỗi và kết nối dịch vụ, kết nối khách hàng, kết nối điểm đến. Triệt tiêu tình trạng chèo kéo, giành giật, “chặt chém” khách, cạnh tranh không lành mạnh còn là góp phần tái cấu trúc ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19, đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
NGUYỄN TRIỆU HẢI