.

Cứu cánh từ khách nội địa

Cập nhật: 17:50, 16/04/2021 (GMT+7)

Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đã từng có thời điểm lắng xuống nhưng thời gian gần đây bùng phát mạnh mẽ trở lại tại nhiều quốc gia. Điều này tiếp tục tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Những kỳ vọng về việc phục hồi khách quốc tế khi dịch bệnh dần được kiểm soát, vắc xin phòng dịch được nhiều quốc gia tiêm đại trà cho người dân còn xa vời.

Tuy vậy, ngành du lịch ở những quốc gia khống chế tốt dịch bệnh như Việt Nam có cơ hội phục hồi mạnh mẽ nhờ thị trường nội địa. “Ngành du lịch không phải phụ thuộc, chờ đợi vào khách quốc tế mà phải xác định du lịch nội địa là động lực, là cứu cánh để phát triển du lịch”. Đó là phát biểu của tân Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại diễn đàn “Du lịch nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra tại Ninh Bình hôm 15/4. 

Các chuyên gia du lịch đều nhận định rằng, với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường du lịch lớn, dư địa phát triển còn nhiều. Trải qua thời gian dài bị “cầm chân” vì phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều người đã “chồn chân”, muốn xách ba lô lên đường du lịch. Trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, việc đi lại ra nước ngoài bị hạn chế, các điểm đến trong nước trở thành lựa chọn hàng đầu. Theo một khảo sát từ Hội đồng tư vấn quốc gia, hơn 83% người dân được khảo sát cho biết, sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này, 69% lựa chọn đi du lịch bằng máy bay. 

Trước đây, nhiều DN chưa coi trọng khách du lịch nội địa vì cho rằng doanh thu và lợi nhuận từ đối tượng này thấp hơn khách quốc tế. Nhưng hiện tại, tình hình đã khác. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định nếu DN thay đổi cách nhìn, đổi mới phong cách phục vụ thì chúng ta sẽ mở ra một thị trường du lịch nội địa giá trị không thua kém gì thị trường quốc tế. 

TS.Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho hay, thời gian chuyến đi và mức chi tiêu bình quân/ngày của khách du lịch nội địa ngày càng có xu hướng tăng cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, thời gian chuyến đi bình quân của một khách nội địa là 3,7 ngày, chi tiêu bình quân từ 1-1,6 triệu đồng/ngày. “Khách nội địa ngày càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ sở lưu trú. Năm 2017, khách có sử dụng dịch vụ lưu trú đạt khoảng 35,7/73 triệu lượt khách, năm 2018 tăng lên 38,6/80 triệu lượt và năm 2019 tiếp tục tăng lên 48,3/85 triệu lượt”, ông Tuấn phân tích tại diễn đàn.

Những con số thống kê nêu trên là tín hiệu tích cực, đòi hỏi DN du lịch phải thay đổi cách nhìn về thị trường khách nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, cơ hội đón khách quốc tế không mấy khả quan, DN du lịch đã có thị trường đầy tiềm năng là du lịch nội địa. Tuy nhiên, thói quen, sở thích, phong tục và nhu cầu của khách nội địa khác với khách quốc tế. Điều này các DN du lịch nắm rõ hơn ai hết. Để đón được dòng khách này, DN phải điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với từng đối tượng khách bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, ẩm thực; nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng điểm check-in; làm mới các tour tham quan, nghỉ dưỡng; có chính sách giá ưu đãi. 

Thời điểm này, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào mùa du lịch Hè. Đây là mùa du lịch cao điểm của cả năm. Lượng khách đăng ký tour đến các vùng biển đảo, trong đó có BR-VT ngày càng tăng. Để đón đầu thị trường, các DN du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương và quy mô lớn hơn là Tổng cục Du lịch cần tổ chức các chiến dịch kích cầu du lịch nội địa một cách tổng thể, từ việc giảm giá vé máy bay, vận chuyển đến giảm giá dịch vụ lưu trú và các dịch vụ phụ trợ tại các điểm đến nhằm thu hút và giữ chân du khách. Giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm, du khách sẽ sẵn sàng “móc hầu bao”, giúp DN tăng doanh thu và lợi nhuận. 

Nếu khai thác tốt, thị trường nội địa sẽ giúp ngành du lịch phục hồi nhanh hơn, từ đó có thêm động lực để đón khách quốc tế khi kế hoạch “hộ chiếu vắc xin” được thông qua và khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.