.

"Lệnh giới nghiêm" với karaoke kẹo kéo

Cập nhật: 07:28, 06/03/2021 (GMT+7)

Những ngày trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, mạng xã hội, báo chí đã mạnh mẽ lên tiếng về việc, những người dân thiếu ý thức dùng loa kẹo kéo, hát karaoke gây ồn ào, bức bối. Những chiếc loa với công suất vượt quá thanh âm đủ nghe đã gây ầm ĩ ở khắp thôn cùng, ngõ hẻm. Người già mất ngủ. Người lớn chán ngán. Trẻ em mất tập trung khi học bài. Thường là người ta thường hát khi đã có hơi men, nên có khi, chỉ vì tranh cãi nhỏ, khục khặc không đáng có, những án mạng, thương tích xảy ra. 

Hát karaoke bằng loa kẹo kéo đã được “phát minh” một cách dễ dàng, vì sự phát triển của công nghệ. Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet, kết nối bluetooth với loa, một chiếc micro, ai cũng có thể biến bàn nhậu trên vỉa hè, bãi cỏ trong công viên thành “phòng hát”. 

Lên mạng xã hội, chúng ta sẽ gặp những dòng trạng thái chế giễu, bức xúc về việc hát karaoke tại gia hay ngoài trời bất kể giờ giấc: “Trời, khuya rồi mà còn “cõng mẹ” đi đâu?”. “22h53 rồi mà nhà dưới cứ “cánh hoa tàn, dưới chân nàng. Tàn thì vứt đi, tiếc làm gì…”. Tết rồi, chị L.N, ngụ Vũng Tàu về miền Trung sum họp với cha mẹ, than: “Về quê tưởng được yên vui, đón tết nhẹ nhàng. Ai ngờ, karaoke loa kẹo kéo hành suốt tết. Không thể yên được!”.

Người hát, nhóm nhậu thì thỏa mãn, vui vẻ. Nhưng người xung quanh như bị tra tấn. Thế nhưng, ít ai dám đến ngỏ lời khuyên can, vì bia rượu đã sẵn trong người. Còn việc xử lý của nhà chức trách thì lại chưa thấy đâu.

Vũng Tàu là thành phố du lịch, càng không thể nằm ngoài của vấn nạn trên khi có khá nhiều du khách trẻ đi du lịch, nghỉ dưỡng thường mang theo loa để hát vui vẻ. Nhiều hàng xóm của những căn biệt thự cho thuê du lịch đã nếm đủ việc này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, gây tiếng ồn là hành vi gây ô nhiễm. Gây tiếng ồn vượt quá mức tối đa cho phép đã được quy định phải bị xử phạt (theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 và những thông tư liên quan). Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị kiện ra tòa án, nếu có đủ chứng cứ.  

Chúng ta không thể “dừng nghe” khi loa đã phát. Nhưng hoàn toàn có thể buộc chủ nhân của những chiếc loa kia ngừng phát, hoặc nhỏ tiếng. Trường hợp người hát có cố “cãi cối cãi chày”, bắt bẻ về cường độ âm thanh, cũng đừng lo, vì chỉ cần một ứng dụng trên điện thoại, lực lượng chức năng có thể dễ dàng xác định được cường độ âm thanh.

Cần có một “lệnh giới nghiêm” cho vấn nạn karaoke đường phố để trả lại môi trường bình yên, nhẹ nhàng cho mọi người. Nếu ai đó muốn hát, hãy vào đúng chỗ của nó - nơi đã được cấp phép bởi cơ quan quản lý nhà nước.

 LÊ ĐÌNH

.
.
.