Sống ở chung cư
Đã 1 tuần trôi qua nhưng vụ việc bé gái 3 tuổi trèo qua lan can và rơi từ tầng 13 của một chung cư tại Hà Nội tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. “Phong trào” rà soát, tìm biện pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ ở các chung cư theo đó cũng “nóng” lên. Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có công văn hỏa tốc gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng. Nhiều hộ có con nhỏ sống ở chung cư cũng “giật mình” xem lại cái ban công nhà mình, rồi thì vội vã tháo dỡ bàn ghế, chậu hoa, máy giặt ở ban công, thuê người dùng lưới, rào quây các cửa sổ, lan can, ban công để trẻ nhỏ không chui qua. Nhiều người thẳng thắn nhìn nhận chính sự bất cẩn, lơ là của người lớn mà trẻ nhỏ phải trả giá bằng cả tính mạng. Những cảnh báo, khắc phục, sửa sai… tuy muộn nhưng vẫn rất cần thiết khi mà số vụ tai nạn từ lan can, ban công chung cư nhà cao tầng, với nạn nhân là trẻ em đã lên tới hàng chục vụ trong mấy năm qua.
Trẻ em trèo, bò ra lan can, ban công và bị ngã xuống đất dẫn đến thương vong chỉ là một trong những vấn nạn ở nhiều khu chung cư, nhà cao tầng hiện nay. Ngày nay, những người sống ở chung cư còn phải “chịu trận” những điều bất ổn, phiền toái khác như nuôi chó, mèo làm mất vệ sinh chung; phơi quần áo gây mất thẩm mỹ, lấn chiếm hành lang công cộng;lạm dụng thang máy, thiếu ý thức phòng cháy, chữa cháy, thả rác từ tầng cao xuống dưới… Đáng chú ý là nạn sàm sỡ, dâm ô trong thang máy và tình trạng sinh hoạt, nấu nướng bất cẩn đe dọa an ninh, an toàn cuộc sống chung cư. Người ta chưa quên vụ việc một chủ xe ở chung cư Thảo Điền Masteri, TP. Hồ Chí Minh bày hoa quả, đốt nhang cúng trên nắp capo ô tô đậu trong tầng hầm. Việc làm này khiến nhiều cư dân trong chung cư “lên ruột” phải gọi điện đến công an nhờ “giải cứu”. Còn ở Hà Nội, một người dân thuê nhà tại chung cư đã nấu nướng bằng bếp than tổ ong ở khu vực ban công, khói bốc lên nghi ngút kích hoạt thiết bị báo cháy khiến hàng trăm cư dân hoảng hốt chạy thoát thân.
Ngày nay, trên khắp các tỉnh, thành phố nước ta, hình ảnh những chung cư hiện đại, cao tầng đã không còn xa lạ. Xã hội ngày càng phát triển, việc sống ở các căn hộ chung cư đã trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn bởi không gian này tích hợp đa dạng những tiện ích từ mua sắm, nội trợ, sức khỏe, giáo dục và y tế… Thế nhưng, bên cạnh những thuận lợi và tiện ích, chung cư cũng có hàng loạt bất cập cần được giải quyết. Từ việc rà soát, siết chặt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, nhất là các khu vực “nhạy cảm” như ban công, lan can, lô gia, cửa sổ, giếng trời nhằm bảo đảm an toàn cho các cư dân đến việc chú trọng xây dựng những quy tắc ứng xử tại chung cư.
Cư dân trong chung cư có nhiều thành phần khác nhau, đến từ nhiều vùng miền khác nhau nên văn hóa ứng xử cũng khác nhau. Bảng nội quy của chung cư với những quy tắc ứng xử chung sẽ giúp các cư dân điều chỉnh các sinh hoạt, thói quen tùy tiện, lối sống cá nhân để phù hợp với lối sống chung cư, văn minh đô thị. Khi cư dân ý thức được trách nhiệm của mình, họ sẽ nghiêm túc thực hiện quy định về văn hóa chung cư, đưa các quy tắc ứng xử trở thành nền nếp trong đời sống thường ngày, tạo nên “thương hiệu” cho một tòa nhà chung cư. Tất nhiên, ngoài cư dân cần có sự tham gia, đồng hành của các chủ thể: chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, ban quản trị và cơ quan quản lý nhà nước.
Có nhiều góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau về an ninh, văn hóa chung cư của cả 5 chủ thể, từ đó có sự điều chỉnh và tìm ra các giải pháp tối ưu cho vấn đề này sẽ góp phần tạo nên nên sự đoàn kết, đồng thuận cao trong cư dân, hình thành một chung cư an toàn, văn minh và đáng sống.
HẢI LĂNG