.

Cần thêm "vắc xin" ý thức !

Cập nhật: 21:14, 02/03/2021 (GMT+7)

Ngày 2/3, tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “Vắc xin + 5K”, không được chủ quan, truy vết, khoanh vùng thần tốc hơn nữa. Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định quyết tâm chống dịch của cả hệ thống chính trị, mặt khác cũng cảnh báo không được “ngộ nhận” có vắc xin thì sẽ đẩy lùi được đại dịch, trái lại cần tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước đó, trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã nhắc lại khuyến nghị của các chuyên gia rằng, không phải có vắc xin thì chúng ta lơ là các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh. Bởi sau khi tiêm mũi vắc xin thứ nhất thì chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vắc xin. Thêm nữa, chúng ta chưa thể tiêm vắc xin cho tất cả người dân. Vì vậy, vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế cộng đồng phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung và khai báo y tế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Rất nhiều người dân đã chia sẻ nỗi vui mừng và lạc quan trước thông tin hơn 117.000 liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Astra Zeneca (Anh) về tới Việt Nam trưa 24/2, mở đầu cho những chuyến hàng dự kiến sẽ đưa 60 triệu liều vắc xin đã ký bảo đảm tới Việt Nam và tiếp đó là số lượng vắc xin đủ để tiêm cho toàn bộ dân số. Mọi người hy vọng sau khi 11 đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin COVID-19, việc tiêm chủng đại trà cho dân sẽ sớm được triển khai để không còn phải nơm nớp lo âu về dịch bệnh.

Có thể hiểu được niềm vui và sự lạc quan của người dân trước thông tin đó. 2 năm qua, đại dịch COVID-19 làm cho kinh tế - xã hội của đất nước chịu những thiệt hại không nhỏ. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ khi được tiêm vắc xin, sức khỏe của người dân và cộng đồng mới được bảo đảm, đất nước mới trở lại bình thường đi đôi với khôi phục, phát triển kinh tế.

Việt Nam đã phải đối phó với 3 đợt dịch COVID-19 bùng phát nhưng không ít người vẫn có những hành vi, ứng xử như thể dịch chưa từng xảy ra. Cứ sau mỗi lần dịch bị đẩy lùi là tâm lý lơ là chủ quan, không chấp hành các quy định về phòng chống dịch lại xuất hiện trong một bộ phận người dân. Số người vi phạm về khai báo y tế, trốn cách ly, che giấu người nhập cảnh trái phép ngày một nhiều lên; Tình trạng tụ tập đông người, tổ chức tiệc tùng, ca hát, chuyện trò rôm rả vẫn diễn ra cho dù có lệnh cấm. Nhiều người đến khu vực công cộng như siêu thị, chợ, bến xe, công viên không đeo khẩu trang theo quy định. Cái gốc của vấn đề vẫn là ở sự thiếu ý thức, coi thường kỷ cương luật pháp, phớt lờ mối an nguy của cộng đồng; Ngay cả những biện pháp giữ an toàn cho bản thân họ cũng chẳng quan tâm.

Những ngày này trên mạng xã hội lan truyền 2 câu thơ “Có lúc nào trên đường đời tấp nập/Ta vô tình vấp phải F0”, được sửa lời từ bài thơ “Có khi nào” của Bùi Minh Quốc. Vui nhưng rất đúng với thực tế. Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng COVID-19 vẫn ở đâu đó ngay trong cộng đồng, vẫn có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào, vì vậy mỗi một người dân cần nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm công dân, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, coi đây là “tấm lá chắn” hữu hiệu nhất bảo vệ bản thân và cả cộng đồng.

Vắc xin Astra Zeneca, Pfizer-BioNTech của các nước hay Nanocovax “made in Vietnam” cũng đều cần thiết, mở ra cơ hội lớn trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19 nhưng cần thiết và hiệu quả hơn cả vẫn là “vắc xin” ý thức của mỗi người dân. Nói cách khác, hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 đến đâu còn tùy thuộc vào ý thức, thái độ ứng xử của chính chúng ta.

TRƯƠNG TÙNG

.
.
.