.

Giảm gánh nặng chi phí logistics cho doanh nghiệp

Cập nhật: 21:17, 11/08/2020 (GMT+7)

Chi phí logistics quá cao là nỗi lo thường trực của nhiều DN Việt Nam hiện nay. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị - nhất là các hội nghị Thủ tướng với DN, các DN đã kiến nghị người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành chức năng quan tâm, giúp DN giảm thiểu chi phí không chính thức, không hợp lý. Đến nay, dù đã giảm nhiều nhưng chi phí logistics quá cao vẫn là rào cản lớn đối với các DN. 

Tại Hội nghị về Giải pháp cắt giảm chi phí logistics do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức mới đây, dư luận đã rất đồng cảm khi nghe ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú “than thở”: Phí vận chuyển 1 container tôm từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, trong khi phí chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang sang Mỹ chỉ có 40 triệu đồng”. 

Tại một hội nghị Thủ tướng với DN tổ chức cách đây không lâu, vấn nạn phí vận chuyển “đắt đỏ” cũng được ông Lâm Đại Vinh (Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, TP. Hồ Chí Minh) phản ánh lên Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc: 1 container từ Cảng Container quốc tế Việt Nam (VICT) ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh, chuyển đi Vũng Tàu chỉ 120km nhưng tốn đến 5,2 triệu đồng (riêng vé cầu, vé BOT 1,2 triệu đồng, chưa kể tiền phát sinh “không tên”), trong khi cũng container đó chuyển sang Singapore chỉ 1-2 triệu đồng. 

Để dễ hình dung, xin trích dẫn một thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam thực hiện gần đây: Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước. Tỷ trọng này cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu (14%). Trong đó, khâu quan trọng nhất là vận tải chiếm từ 40-60% chi phí logistics.  

Trước “bảng biểu” phí vận chuyển cao một cách phi lý đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng phải cảm thán “Làm sao chúng ta cạnh tranh nổi?!”.

Ngoài nguyên nhân khách quan là các trung tâm logistics vùng phân tán, hệ thống đường liên cảng thiếu đồng bộ với hệ thống cảng, việc kết nối hệ thống vận tải đa phương thức còn yếu kém, có những nguyên nhân chủ quan khiến cho chi phí logistics Việt Nam thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Đó là, thời gian chờ bốc xếp ở hai đầu quá lâu; Phương tiện bốc xếp còn thô sơ, lạc hậu nên năng suất bốc xếp không đạt yêu cầu. 

Song, nguyên nhân khiến cho phí vận chuyển bị “đội” lên cao là có quá nhiều trạm thu phí BOT “chốt chặn” dày đặc từ Bắc vào Nam. Một khảo sát của Hiệp hội Logictics Việt Nam cho thấy, trong các chi phí, thì nhiên liệu chiếm 30-35%, phí BOT dao động từ 15-30% (BOT Bắc Nam chiếm 15%; BOT Hà Nội - Hải Phòng 30%). Tính ra, phí cầu đường BOT gần bằng phí nhiên liệu cho cùng một quãng đường vận chuyển. Đó là chưa kể khoản chi phí khác mà các DN còn phải chịu là chi phí không chính thức, còn gọi là phí “lót tay” dọc đường. 

Để cởi bỏ gánh nặng chi phí logistics cho DN, điều quan trọng là xúc tiến quy hoạch, hình thành các trung tâm logistics theo vùng, theo loại hình, hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại, có thể được sự liên kết giao thông, cảng biển, hàng không… Tiếc rằng, việc xây dựng đường cao tốc, mở rộng nâng cấp các tuyến quốc lộ thời gian qua chưa kết hợp xây dựng các trung tâm logistics, các đường kết nối với hệ thống đường gom và với các phương tiện vận tải khác. Việc nâng cấp, mở rộng hệ thống đường sắt cũng chưa được tính đến bởi tỷ suất đầu tư quá cao dù đây là phương thức vận tải hiệu quả, tiết kiệm nhất so với các phương thức khác. Tất nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cũng cần xử lý dứt điểm nạn “chi phí không chính thức”. Nếu dẹp được nạn phí này, theo tính toán của một DN, chủ hàng sẽ tiết kiệm được từ 20-30% trong tổng chi phí phải bỏ ra…

Chi phí logistics cao đến vô lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh của DN và của nền kinh tế. Nghịch lý đó đòi hỏi phải được xử lý rốt ráo trong thời kỳ hậu COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế. Nếu chi phí logistics vẫn còn cao ngất ngưỡng thì những kiến nghị của DN cũng chỉ là nỗi “mong đợi ngậm ngùi”.  

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 
.
.
.