.

Siết kỷ cương ngân sách!

Cập nhật: 22:23, 04/08/2020 (GMT+7)

Thông tin Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa ra thông báo về kết quả xem xét, xử lý kỷ luật Đảng đối với tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm tại huyện Yên Định đăng tải trên báo chí tuần rồi thu hút sự chú ý của nhiều người. 

9 cán bộ, nguyên cán bộ, trong đó chủ yếu là những người nắm giữ các chức vụ chủ chốt của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định bị kỷ luật về Đảng do để 2 cơ quan mắc nợ hơn 50 tỷ đồng, hầu hết là nợ ăn uống, tiếp khách. Chủ nợ - không ai khác, chính là hàng trăm người lao động, cán bộ nhân viên Huyện ủy, UBND huyện Yên Định. Trong quá trình làm việc, phục vụ, họ đã bỏ tiền túi ra chi tiêu cho cơ quan, nhưng không được cơ quan thanh quyết toán, trả nợ, cuối cùng thì bị “bùng”. 

Nhiều cán bộ, đảng viên, cách mạng lão thành và người dân đọc tin xong chỉ biết lắc đầu: “Ăn tiêu đến mức 2 cơ quan Nhà nước cấp huyện nợ tới hơn 50 tỷ đồng, làm mất uy tín tổ chức Đảng, chính quyền địa phương thì quả là… hết biết!”.

Chuyện “nợ miệng” không chỉ xảy ra ở Yên Định mà còn ở không ít địa phương trong cả nước. Có những cơ quan, đơn vị “ký sổ” cả chục năm trời cuối cùng không trả được nợ. Chuyện chỉ vỡ lở ra khi chủ nợ - thường là chủ các quán nhậu, nhà hàng tìm tới cơ quan công quyền đòi nợ. Bị các chủ nợ đòi quyết liệt, các “con nợ” chỉ biết khất lần hoặc nói liều… “chưa có nguồn thanh toán”. 

Không chỉ có ăn nhậu, tiếp khách, không ít cơ quan công quyền còn sử dụng ngân sách vô tội vạ vào những khoản không thể hạch toán được. Cuối cùng “mất khả năng chi trả” biến cơ quan, đơn vị trở thành con nợ, giống “Chúa Chổm” ngày xưa. 

Hà Nội có phố Cấm Chỉ nổi tiếng với những hàng quán ăn uống nhộn nhịp, đặc biệt vào ban đêm. Tên con phố nhỏ này gắn liền với tên nhân vật của thời Nam Bắc triều vào thế kỷ XVI là “Chúa Chổm”. “Chúa Chổm” là nhân vật có thật, đã đi vào đời sống nhân gian, ám chỉ những người đang bị nợ nần vây bủa. 

“Chúa Chổm” thời nay ấy chính là những cơ quan, đơn vị tiêu xài, mua sắm bạt mạng dẫn đến nợ đọng kéo dài. Khi không còn cách trả nợ chỉ biết “chịu trận”, nhận kỷ luật của cấp trên mà vụ việc ở huyện Yên Định là một ví dụ điển hình. 

Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN)với quy định nghiêm ngặt về thu, chi, không cho phép những “Chúa Chổm” vung tay quá trán, xà xẻo “chiếc bánh” ngân sách được hình thành từ những đồng tiền thuế người dân. Luật quy định các cơ quan, đơn vị quản lý chi NSNN chặt chẽ theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để bảo đảm chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách. Thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi…

Minh bạch hóa chi tiêu là một trong những biện pháp quan trọng để “bảo toàn” NSNN. Muốn như vậy cần có cơ chế cho sự tham gia của người dân trong các khâu của quy trình kế hoạch ngân sách ở cấp cơ sở cũng như công khai thông tin về dự toán ngân sách phân bổ cho địa phương. Thế nhưng trên thực tế, người dân ít được tham gia vào quy trình ngân sách, giám sát chi tiêu công công. Báo cáo chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh 2019 (POBI) công bố gần đây cho thấy, có 24 tỉnh được xếp vào nhóm A - công khai “đầy đủ”, đứng đầu là Quảng Nam, BR-VT và Đà Nẵng. Còn lại là các tỉnh, thành phố công khai “chưa đầy đủ” và “ít” công khai. Xin được mở ngoặc là, trong xếp hạng công khai ngân sách POBI 2018, BR-VT là 1 trong 6 tỉnh được xếp vào nhóm A - công khai “đầy đủ” với 85.91 điểm. 

Minh bạch hóa chi tiêu, siết kỷ luật, kỷ cương NSNN sẽ chặn đứng tình trạng chi tiêu vô tội vạ, không đúng nguyên tắc tài chính của những “Chúa Chổm” thời nay. Xử lý kỷ luật những cá nhân, tổ chức vi phạm là lẽ đương nhiên. Phải buộc những người vi phạm thu hồi đầy đủ vào NSNN các khoản chi sai chế độ. Đó là cách giữ nghiêm kỷ cương quản lý thu chi ngân sách. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.