Nghịch lý dịch vụ logistics
Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ logistics nước ta phát triển nhanh và mạnh theo sự tăng trưởng của xuất nhập khẩu, của dịch vụ bán lẻ và phân phối. Được coi là mũi nhọn kinh tế, với mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 8-10%, logistics sẽ trở thành ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Mới đây, theo báo cáo điều tra Chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam hiện xếp thứ 39/160 nước, xếp thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Singapore và Thái Lan), tăng 25 bậc so với xếp hạng thứ 64 của năm 2016. Tốc độ phát triển ngành dịch vụ logistics của cả nước thời gian qua lên đến 13-15%, được ghi nhận là ngành có tiềm năng lớn nhất đối với nền kinh tế. Các hoạt động của dịch vụ logistics tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, các dịch vụ kho bãi và quản lý hàng hóa.
Mặc dù hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đã có nhiều chuyển biến, nhưng kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chi phí vận tải đường bộ đang ở mức rất cao. Đơn cử, một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ, hoặc đến cảng Hamburg (CHLB Đức) chỉ hết 41 triệu đồng, sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP. Hồ Chí Minh đến cửa khẩu biên giới Việt – Trung mất 100 triệu đồng, gấp rất nhiều lần so với vận chuyển quốc tế. Tương tự, lĩnh vực nông sản là nhóm ngành bất hợp lý nổi bật với giá trị thấp nhưng chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản… đang quá cao. Theo đó, đối với vải thiều, chi phí logistics chiếm 30-45% tổng chi phí, mít tươi chiếm 17%, phân bón 12-25%, thanh long đông lạnh 10-20%, nước ép trái cây chiếm 20%, các loại nông sản khác từ 10-45%… Nguyên nhân đẩy chi phí logistics và vận chuyển nội địa cao là do có quá nhiều trạm thu phí đường bộ, trong khi đó, hệ thống đường biển, đường sông của nước ta rất thuận lợi để lưu thông hàng hóa, chi phí chỉ bằng 1/10 đường bộ, nhưng lại không phát huy tác dụng do hệ thống cảng nội địa chưa hoàn thiện.
Phát triển kinh tế biển, trong đó có cảng biển và dịch vụ logistics là mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh BR-VT. Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy BR-VT về phát triển dịch vụ hậu cần cảng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tổng doanh thu dịch vụ, kho bãi, dịch vụ hậu cần cảng đạt khoảng 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng như tình trạng chung trong cả nước, các nhà cung cấp dịch vụ logistics vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau trong công tác thông tin thị trường và thông tin khách hàng, hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics chưa đạt hiệu quả cao. Theo các DN thường xuyên có hàng hóa container xuất - nhập ở cụm cảng Cái Mép –Thị Vải (CM-TV) cho biết, một container đến hoặc rời CM-TV đang phải “cõng” đủ loại chi phí từ trong cảng đến nơi tập kết hàng hóa (hoặc ngược lại), ước tính chi phí vận tải đường bộ chiếm tới gần 60% tổng chi phí logistics. Nếu dùng xà lan chuyển hàng từ CM-TV về cảng Cát Lái thì tốn phí từ 1,2-1,5 triệu đồng/container, thấp hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ (4,3-6 triệu đồng/container).
Do đó, những vấn đề đang tồn tại trong tính kết nối hạ tầng giao thông, những nghịch lý trong các dịch vụ logistcs cần được các địa phương, ngành giao thông vận tải và ngành công thương có những bước điều chỉnh hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển, phí kho bãi, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận. Cần rà soát các quy hoạch nhằm bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển dịch vụ logistics. Đồng thời, tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương tiện vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Đặc biệt chú trọng đến công tác đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt và đường thủy nội địa, nhất là trên các hành lang vận tải chính. Như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế; bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics.
HOÀNG LÊ