Trường nghề "có giá"!
Báo BR-VT số ra ngày 27/7 có đăng bài “Khan hiếm nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề”. Bài báo cho biết, tại hội thảo “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho các DN KCN tỉnh BR-VT” do Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT (BCTECH) phối hợp với BQL các KCN tỉnh tổ chức mới đây, đại diện nhiều DN cho biết, họ đang có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật qua đào tạo ở trình độ CĐ, TC nhưng không có nguồn để tuyển. Trước sự
“đặt hàng” của các DN, bà Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng BCTECH cam kết thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh và đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Nhà trường cũng phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm, an toàn lao động; tập trung phát triển các ngành nghề thế mạnh và trọng điểm của tỉnh.
Trong quá trình tham gia công tác tư vấn tuyển sinh cho một tờ báo thuộc giới trẻ, một chuyên gia của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có đưa ra một nhận định, thay vì đổ xô vào các trường ĐH, ngày nay nhiều bạn trẻ đã chọn học nghề như một xu hướng nghề nghiệp mới. Vị chuyên gia chia sẻ, rất nhiều học sinh đã đặt nhiều câu hỏi chung quanh việc đăng ký học nghề, nên chọn ngành nghề gì để khi học xong có thể tìm được việc làm. Nhiều em hỏi rất tỉ mỉ, cụ thể, với hy vọng các chuyên gia hỗ trợ các em đưa ra được những quyết định đúng đắn cho tương lai.
Vị chuyên gia khẳng định: Trường nghề đã bắt đầu “có giá”!
Thật ra, trường nghề đã “có giá” từ nhiều năm nay, thể hiện qua việc nhiều trường nghề - nhất là những trường chất lượng cao, tuyển đủ và vượt chỉ tiêu tuyển sinh từ rất sớm. Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT là một trong số đó.
Trường nghề “có giá”, có nghĩa xã hội đã thay đổi nhận thức về mối liên quan giữa thi cử, bằng cấp và việc làm. Nhiều bậc phụ huynh và học sinh giờ đây đã nhận ra rằng có nhiều con đường có thể lập nghiệp và thành công mà không nhất thiết phải vào ĐH, trong đó có con đường học nghề.
Trường nghề “có giá” còn có một nguyên nhân quan trọng khác: nhiều trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới chuẩn tay nghề khu vực ASEAN và quốc tế, mở ra một cánh cửa mới, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với thiết bị máy móc, công nghệ tiên tiến, được giao lưu với đồng nghiệp quốc tế, tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng tay nghề, học liên thông lên ĐH, thỏa mãn mơ ước của mình.
Trường nghề ngày càng có sức hút với giới trẻ bởi nội dung chương trình học bám sát thực tế theo yêu cầu của DN. Việc chọn một nghề phù hợp và nộp hồ sơ đăng ký học nghề cũng đơn giản bởi không có những thủ tục quá phức tạp, cũng không phải chờ đợi điểm đăng ký xét tuyển rồi thấp thỏm chờ xét tuyển.
Theo học ở các trường nghề, HS được chú trọng đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp bởi khung chương trình đào tạo bảo đảm đến 70% dành cho thực hành nghề nghiệp. Sinh viên thay vì đi học từng buổi trên lớp thì được rèn luyện thực hành tại các phân xưởng với thời gian 7-8 tiếng/ngày như trong quá trình làm việc tại DN. Điều này đã giúp sinh viên thích ứng tốt khi hòa nhập với môi trường làm việc tại DN. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên còn được trường nghề giới thiệu việc làm với các DN có mối liên kết với nhà trường. Với những học viên có kết quả học tập xuất sắc, sau khi ra trường được các công ty đến tuyển trực tiếp với mức lương hậu hĩ thay vì phải nộp đơn xin việc và chờ đợi.
Song, khi trường nghề “có giá” cũng là lúc hệ thống trường này lộ rõ “gót chân A-sin”, nhất là về chiến lược đào tạo. Mỗi năm, hệ thống trường nghề tuyển sinh được khoảng 2 triệu học viên và sinh viên. Thế nhưng, chất lượng, hiệu quả dạy nghề nói chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Việc nhiều HS từ bỏ “giấc mơ đại học”, xin vào học ở các trường nghề là một “cú hích” quan trọng để các trường nghề chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết DN, với mục tiêu DN phải là trường thứ 2.
Chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề gắn với DN, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động cũng là để hệ thống trường nghề góp phần đào tạo một nguồn nhân lực quan trọng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
NGUYỄN TRIỆU HẢI