.

Níu giữ du khách

Cập nhật: 22:09, 12/06/2020 (GMT+7)

Ngay sau khi Tổng Cục Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, lập tức hàng loạt các địa phương cả nước đã tổ chức triển khai các gói kích cầu du lịch hậu COVID-19. Nhiều địa phương đã giảm giá sâu chưa từng có cho đến hết năm nay. Chẳng hạn như tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình kích cầu du lịch nội địa bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến cuối năm nay, với gần 260 chương trình tour và 280.000 vé ưu đãi giảm từ 10 - 70%. Tại các tỉnh miền Trung, các “trung tâm du lịch biển” là Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa và Quảng Nam đều tung ra các chương trình kích cầu “khủng” với các mức giảm giá 40-50% đối với các gói tour trọn gói, gồm cả vé máy bay, khách sạn, ăn uống... Thậm chí miễn phí tham quan nhiều điểm di tích, khu danh thắng.

BR-VT cũng đang tổ chức chương trình kích cầu du lịch với nhiều hoạt động thu hút du khách. Mới đây, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo BR-VT, ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, Hiệp hội đã vận động 78 doanh nghiệp hội viên tham gia kích cầu du lịch, tung ra các gói ưu đãi về giá nhưng chất lượng dịch vụ đảm bảo ở mức tốt nhất. Cụ thể, đối với cơ sở lưu trú giảm từ 10 – 50% (kèm theo một số dịch vụ như spa giảm 10 – 50%, cafe/ăn sáng giảm 10% kèm xe đưa đón); nhà hàng giảm từ 10-30%; các khu điểm đến vui chơi giải trí giảm 10% - 20% giá dịch vụ cho du khách.

Trên thực tế, kích cầu du lịch, giảm giá các dịch vụ du lịch đang được xem là giải pháp tự cứu mình, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, hầu hết các DN mới lo chạy đua về giá mà chưa chú trọng đến việc làm mới sản phẩm hay nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cách đây 5 tháng, tôi có nhóm bạn từ Nghệ An vào chơi. Để thuận lợi cho việc đi tắm biển, đi lại, nhóm bạn đã chọn ở khách sạn ngay trung tâm thành phố Vũng Tàu để nghỉ. Về giá cả, chất lượng phòng nghỉ, nhóm bạn không có ý kiến gì, tuy nhiên sau bữa ăn sáng để chia tay, nhóm bạn bàn nhau, nếu có dịp quay lại sẽ không còn ở đây nữa.

Lý do nhóm bạn đưa ra là sẽ không quay lại nghỉ tại khách sạn này rất nhỏ. Đó là, sau bữa ăn sáng, cả nhóm gọi người phục vụ cho một bình trà nóng. Khi bê bình trà ra, đập vào mắt cả nhóm là những chiếc ly đen úa nham nhở, dưới đĩa bỏ ly cáu bẩn, bám đen. Và tệ hơn là khi mở nắp bình ra để tiếp thêm nước, bao nhiêu là cặn bẩn bám dưới nắp ấm không được nhân viên khách sạn lau chùi kỹ. Khi nhóm bạn nhờ thay bình trà khác thì người phục vụ tỏ ra khó chịu, làm cho cả nhóm bạn cũng không cảm thấy thoải mái và cảm thấy thiếu sự tôn trọng.

Bên cạnh đó, điều mà nhóm bạn phàn nàn là trong nhiều năm qua, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa tạo ra được một sản phẩm khác lạ, đặc sắc. Vẫn lặp đi lặp lại ở chỗ tắm biển, tham quan một vài điểm đến như: Bạch Dinh, Bảo tàng Vũ khí cổ, Tượng chúa Kitô…

Đi du lịch, điều mong muốn của mỗi du khách là được nghỉ ngơi, được cảm nhận sự vui vẻ, hài lòng, tôn trọng và luôn luôn tận hưởng cái mới. Việc giảm giá sốc, miễn phí là rất hấp dẫn, nhưng đó mới chỉ dừng lại ở phạm vi khuyến mãi, chưa chắc đã thu hút được khách hàng quay trở lại. Do đó, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ từ những điều nhỏ nhất, luôn coi khách hàng là “thượng đế” để phục vụ chu đáo và tinh tế hơn, ngành du lịch cần chú trọng đến việc tạo ra những sự kiện, sản phẩm mới, điểm đến thú vị. Và trong điều kiện chưa có những khu du lịch quy mô, tầm cỡ thì nên chăng các DN riêng lẻ nên có sự liên kết, bắt tay để tạo thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ.

PHAN HÀ

.
.
.