Cây xanh nào tội tình gì!
Sau vụ cây phượng ngã đổ trong sân trường tại TP. Hồ Chí Minh khiến một HS thiệt mạng, nhiều trường học trên cả nước đã đồng loạt thuê người kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong sân trường nhằm bảo đảm an toàn cho HS.
Việc tỉa cành, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ gãy đổ là việc làm hết sức cần thiết trước mùa mưa bão. Điều đáng nói, lãnh đạo một số trường học đã cho cắt tỉa cành nhánh đến mức chỉ còn trơ trụi thân cây. Thậm chí, nhiều cây xanh, nhất là cây phượng trong sân trường đã bị đốn hạ triệt để, dù cây vẫn khỏe mạnh bình thường.
Cây xanh nào có tội tình gì! Chúng mang lại bao lợi ích cho con người: tạo bóng mát, cung cấp oxy và hấp thụ khí thải CO2, giữ đất, giữ nước, chống xói lở, làm cho đất đai thêm màu mỡ... Ở trường học, cây xanh, đặc biệt là cây phượng vĩ đã gắn bó và là biểu tượng, với nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò bao thế hệ: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu… Cánh phượng hồng ngẩn ngơ/ Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây”. Và rồi, nhiều em HS không khỏi ngơ ngác, hụt hẫng khi về nhà sau một đêm trở lại trường đã không còn thấy những cây xanh thân quen nữa. Thay vào đó là khoảng sân trường trơ trụi, nắng nóng hầm hập. Nhiều cựu HS khi trở lại trường xưa mãi mãi chẳng còn thấy được hình bóng cây phượng vĩ đã gắn bó với bao kỷ niệm tuổi học trò thơ ngây năm nào…
Đâu chỉ ở trường học, nhiều cây xanh trên đường phố có tuổi đời hàng trăm năm, như những chứng nhân lịch sử cũng bị đốn hạ hoặc cắt tỉa cành nhánh trơ trụi chỉ vì một cây xanh nào đó bị ngã đổ sau trận mưa. Nhiều cây xanh thì bị người dân “bức tử” bằng việc đổ chất bẩn, cạo vỏ cho cây chết dần; đổ bê tông hay lát xi măng quanh gốc để lấy mặt bằng kinh doanh.
Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, những vườn cây trong nhà dân dần bị chặt hạ, nhường chỗ cho những ngôi nhà, công trình phục vụ dân sinh mọc lên. Những tuyến đường giao thông được mở rộng, kéo theo đó là những cây xanh phải hạ xuống hoặc bứng đi nơi khác. Điều đó khiến cho diện tích cây xanh, thảm cỏ ngày càng bị thu hẹp. Không những vậy, tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấy đất canh tác tại nhiều địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Hậu quả là lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều, mức độ tàn phá, gây thiệt hại về người và của ngày càng gia tăng tại nhiều địa phương trong cả nước, do không còn cây xanh giữ đất, giữ nước.
Để có được một cây xanh đủ cao lớn, có thể cho bóng mát, chúng ta phải mất nhiều thời gian và công sức chăm sóc, có khi đến hàng chục năm. Vì vậy, cây xanh phải được coi trọng, bảo vệ và nâng niu. Mỗi cây xanh ngã xuống, phải có thêm nhiều cây xanh khác được trồng thay thế.
Tại BR-VT, từ nhiều năm qua, địa phương luôn chú trọng việc trồng cây xanh thông qua các phong trào trồng cây gây rừng, trồng cây vào các dịp kỷ niệm, lễ, tết. Chẳng hạn, đầu năm 2018, Thành ủy, UBND TP.Vũng Tàu đã phát động phong trào “Chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh”. Theo đó, ngoài kinh phí nhà nước đầu tư trồng cây xanh tại các khu vực công cộng, TP. Vũng Tàu khuyến khích người dân, DN trồng thêm cây xanh trong khuôn viên nhà, trụ sở DN và cả đường phố. Trong quá trình thi công mở rộng đường và các công trình công cộng, thành phố yêu cầu hạn chế tối đa việc chặt hạ cây xanh. Đơn cử như dự án mở rộng đường Trương Công Định, đoạn từ nút giao với đường Trần Đồng đến đường Quang Trung. Đoạn đường này có 64 cây xanh, thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh thiết kế hệ thống thoát nước, nền mặt đường làn dành cho xe 2 bánh để giữ lại hàng cây xanh 2 bên, tạo bóng mát và bảo tồn cảnh quan đô thị. Hiện nay, công trình đã được đưa vào sử dụng và hàng cây xanh này nằm trong dải phân cách giữa làn ô tô và xe máy.
Cây xanh nào có tội tình gì! Thiết nghĩ, vì mục đích bảo đảm an toàn cho HS, nhân dân, người đứng đầu trường học, cơ quan, đơn vị nên tìm các biện pháp bảo vệ cây xanh như: làm giá đỡ, khoanh vùng an toàn, chứ không nên chặt hạ một cách vô tội vạ như vậy!
NGUYỄN ĐỨC