.

Sẵn sàng tâm thế hội nhập "cao tốc" EVFTA

Cập nhật: 21:38, 10/06/2020 (GMT+7)

Với toàn bộ đại biểu có mặt tán thành, Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 8/6. Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) cũng đã được tuyệt đại đa số các đại biểu tán thành biểu quyết thông qua. EVFTA và EVIPA trở thành cao tốc quy mô lớn, hiện đại, đưa hàng hóa Việt Nam đến với thị trường 18.000 tỷ USD.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.

Tuy nhiên, “EVFTA không phải là con đường cao tốc miễn phí, và chúng ta phải trả phí cho quá trình này”, như lời Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói trước khi bấm nút thông qua hiệp định. Điều này cho thấy, muốn tận dụng được những cơ hội từ đường cao tốc EVFTA, với các DN, trước hết phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ Hiệp định. Sau đó có thể sẽ phải đầu tư để thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định. DN phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, có được những sản phẩm tốt, chất lượng cao, giá cả phải chăng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Với Nhà nước, để EVFTA thực sự là một động lực cải thiện nền kinh tế, cần phải đầu tư cho 3 công trình trụ cột - nền tảng quốc gia cho năng lực cạnh tranh: Hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thực tế cho thấy, việc tham gia Hiệp định với một liên minh kinh tế hàng đầu thế giới sẽ là thách thức không nhỏ khi phần lớn DN trong nước nói chung, BR-VT nói riêng chỉ ở quy mô nhỏ và vừa. Giám đốc một DN trong ngành may mặc cho biết, 2 nhóm ngành dệt may và da giày được cho là hưởng lợi nhất khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, khi thuế giảm về 0%, các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các nguyên tắc về nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa hàng may mặc hiện nay mới chỉ đạt từ 45-50%, còn lại là nhập khẩu. Dù đã đầu tư vào ngành dệt nhuộm, lãnh đạo DN này cho rằng, “nút thắt” tận dụng ưu đãi xuất xứ từ vải vẫn chưa vượt qua được. Tuyến đường cao tốc đã mở ra, nhưng để DN tìm đường đến với cao tốc vẫn còn không ít gian nan.

Thời gian Hiệp định có hiệu lực 1/8 đã rất cận kề, Chính phủ sẽ sớm ban hành Chương trình hành động sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Trong đó, bao gồm nhiều nhóm nhiệm vụ lớn bảo đảm quá trình thực thi có hiệu quả. Vấn đề còn lại là từ phía DN phải sẵn sàng chuẩn tâm thế tận dụng tốt cơ hội để thành công trên con đường hội nhập EVFTA.

NGÔ GIA

.
.
.