Khắc phục "nhân tai"
Vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q. 3, TP. Hồ Chí Minh) bật gốc sáng 26/5 vừa qua khiến 1 học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương không chỉ đặt ra vấn đề bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh. Tai nạn “từ trên trời ập xuống” này còn mang lời cảnh báo khác. Đó là tình trạng cây xanh gãy đổ gây chết người, đè bẹp xe cộ ở các đô thị; Là vấn nạn nắp cống, nắp hố ga bị vỡ, sập, mất nhưng không được khắc phục kịp thời. Đó còn là những hố công trình không rào chắn, những đường điện rò rỉ, những đường dây cáp bị đứt, hỏng treo lòng thòng trên cao như những thòng lọng chực chờ “bẫy” người đi đường.
Tất cả các “nhân tai” nói trên đều để lại hậu quả nghiêm trọng. Số nạn nhân bị cây xanh gãy đổ đè chết hoặc bị thương, số người bị lọt cống hoặc bị điện giật chết trong mùa mưa bão ngày một dài thêm. Không ít em học sinh trên đường đi học đã hụt chân rơi vào miệng cống và bị nước cuốn đi. Việc liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do cây xanh bật gốc, gãy đổ không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, bất an. Điều đáng lo ngại là đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Tại nhiều thành phố lớn, nhiều cây xanh nghiêng hẳn ra đường, gốc trồi lên trên chưa biết “sụm” lúc nào. Nhiều công trình thi công chỉ được rào chắn sơ sài. Vẫn còn những trụ điện oằn mình gánh những vòng dây chằng chịt, sà ngang đầu người đi đường…
Khách quan mà nói cơ quan, đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị các tỉnh, thành phố cũng có chủ động rà soát, tỉa cành, đốn cây mục, lấp ổ gà, đậy nắp hố ga. Có điều, do triển khai không đến nơi đến chốn, thiếu đôn đốc kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, câu chuyện “nhân tai” đe dọa sự an toàn của người dân vẫn chưa đi vào hồi kết.
Tại BR-VT, việc phòng chống cây xanh gãy đổ trước mùa mưa bão vẫn được cơ quan chuyên môn chú trọng. Việc thực hiện cắt tỉa, hạ độ cao cây và gia cố cọc chống cho cây mới trồng, trồng thay thế kịp thời những cây bóng mát có nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão được tiến hành thường xuyên, xử lý kịp thời. Vậy nhưng, tình trạng cây xanh bị gãy đổ do thời tiết cực đoan gây nên cũng không tránh khỏi. Việc hàng chục cây xanh trồng dọc Quốc lộ 51 thuộc TP. Bà Rịa bị ngã đổ vào đầu mùa mưa 2018 hoặc việc 1 cây lim xẹt trên đường Võ Thị Sáu. TP. Vũng Tàu bị bật gốc, đổ đè vào một ô tô 5 chỗ đậu bên đường cũng vào mùa mưa 2018 là những minh chứng.
Mùa mưa đã tới. Vấn đề bảo đảm an toàn cho người dân trước những hiểm họa chực chờ lại được đặt ra. Vẫn là những công việc rà soát, phát hiện, xử lý những cây có thể gãy đổ gây nguy hiểm. Vẫn là kiểm tra, gia cố các trụ điện, các mối nối, dây chằng, tiếp địa đường dây có thể phát sinh sự cố đứt dây, rò điện. Và tất nhiên là cả việc rà soát, xử lý những hố ga mất nắp, những hố công trình sâu hoắm không rào chắn, những chiếc cọc bê tông nhọn hoắc trên đường…
Những giải pháp đó là cần thiết nhưng có những bất cập khác cho thấy việc khắc phục những “nhân tai” ở đô thị cần có sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị liên quan. Tình trạng bê tông hóa vỉa hè, việc xây dựng các công trình ngầm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống cây xanh. Để tiện việc thi công, công nhân các đơn vị này đã không ngần ngại chặt hết rễ cây, gây nguy cơ cây gãy đổ đột ngột, nhất là khi mưa bão.
Cây xanh cho các đô thị cần được quy hoạch lại một cách bài bản, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, an toàn giao thông, văn hóa dân cư… Đang có tình trạng cây xanh ở nhiều đô thị được trồng một cách… ngẫu hứng. Quy trình trồng cây cũng chưa hợp lý, các đơn vị thường cắt rễ cọc để thuận tiện cho việc bứng và di chuyển cây. Vì không còn rễ cọc nên cây rất dễ bật gốc.
Nhận diện đúng các mối nguy hiểm về cây xanh gãy đổ, nắp hố ga bị vỡ hoặc mất, về rò rĩ điện trong mùa mưa để có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân là trách nhiệm của các đơn vị quản lý cây xanh, viễn thông, giao thông, điện, cấp thoát nước. Khắc phục những “nhân tai” nói trên không quá khó nếu bản thân mỗi ngành, cơ quan chức năng ý thức được trách nhiệm, có biện pháp phòng ngừa thích hợp, tránh cho dân không bị sụp hố, lọt cống, điện giật, cây xanh giáng xuống đầu khi đi đường.
Sinh mạng con người là vô giá. Để người dân thiệt mạng hoặc bị thương vì cây xanh gãy đổ, do điện bị đứt dây, vì lọt cống là những chuyện khó chấp nhận đối với những thành phố gọi là hiện đại, văn minh.
NGUYỄN TRIỆU HẢI