.

Tình người gửi vào đất

Cập nhật: 19:25, 06/09/2019 (GMT+7)

Đầu năm học mới này, ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã có một lễ khai giảng đặc biệt tại 2 trường học liền kề vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng. 2 trường học khang trang nhất trong xã được xây dựng trên mảnh đất hiến tặng từ 2 gia đình phụ nữ nghèo.Đó là bà Hai (tên thật là Lê Thị Út) và bà Lê Thị Bảy. 

Một trong hai bà mưu sinh bằng việc bán bánh mì. Bà Hai mở tủ bán bánh mì nhỏ ở ngay góc ngã tư đủ nuôi sống bà và mẹ con người con gái khuyết tật của bà. Mỗi ngày, bà bán được khoảng hơn 80 ổ bánh mì; nhiều hôm bán không hết, cả nhà phải ăn bánh thay cơm. Cuộc sống gia đình bà Hai khó khăn là vậy, thế nhưng khi chính quyền xã vận động thì gia đình bà đã hiến tặng hơn 1,1ha đất sản xuất để xây Trường THCS Đức Bình Đông. Khu đất nằm ở vị trí đẹp, ngay ngã tư.

Sau khi hiến đất xây Trường THCS Đức Bình Đông, bà Hai hiến luôn phần đất còn lại hơn 2.000m2 liền kề để xây Trường mầm non Đức Bình Đông. Hàng xóm của bà Hai là bà Lê Thị Bảy hiến thêm 7.000m2 để xây trường mầm non, trong khi việc làm chính của gia đình bà là làm thuê, làm mướn, đất ở vị trí đẹp, nếu bán thì dư giả dưỡng già.

Cùng thời gian này, ở quận 3, TP.Hồ Chí Minh diễn ra một sự kiện đặc biệt, khi bà con 10 tuyến hẻm của 8 phường trên địa bàn đồng loạt tham dự lễ khởi công mở rộng hẻm từ đất do chính người dân sống trong các hẻm hiến tặng. Một ngày hội đặc biệt có tên “Ngày hội nhân dân quận 3 hiến đất mở hẻm” tưng bừng được mở với những băng rôn đỏ rực chăng ngang các con hẻm và những gương mặt rạng ngời. Những người dân hào sảng đã hiến tặng cả một gia tài lớn, bởi giá trị mỗi mét vuông đất ở khu vực quận 3 hiện tại không dưới 100 triệu đồng!

2 trường học và 10 con hẻm có thể định giá bằng tiền hay bằng vàng, ở đây “đất quý hơn vàng” đúng nghĩa đen; nhưng giá trị phi vật chất từ sự hào sảng của 2 phụ nữ nghèo cùng những hộ dân là không thể đong đếm được, là vô giá!

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có không ít những câu chuyện đẹp về việc người dân hiến đất làm đường, trường học. Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Trọng (khu phố Hòa Hội, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ), đã tự nguyện hiến 3.000m2 đất ruộng và vườn trồng cây ăn trái để mở rộng con đường hẻm dài gần 2km để bà con lối xóm tiện đi lại.

Trong khi đó, cũng từ giá trị của đất mà mấy ngày qua cộng đồng xã hội như “dậy sóng”, choáng váng, rúng động bởi hành vi mất nhân tính xảy đến do tranh chấp đất đai. Ở đây, giá của đất đã bị đánh đổi bởi máu và nước mắt, bởi tính mạng và tình thân trong gia đình. Đó là vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy đến tại Đan Phượng, Hà Nội, khi chỉ vì nửa mét đất mà anh trai đã ra tay tàn độc, truy sát cả nhà em ruột mình khiến 4 người tử vong. Trước khi vụ việc thương tâm xảy ra, 2 anh em từng nhiều lần mâu thuẫn, xích mích với nhau cũng chỉ vì nửa mét đất thừa kế. Chính quyền địa phương đã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng bất thành.

Những mâu thuẫn xuất phát từ tranh chấp đất đai không phải quá hiếm gặp trong đời sống thường nhật, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cũng từng nhận được không ít đơn thư phản ánh về các vụ việc này. Trong đó có cả những vụ việc mà người trong cuộc có quan hệ họ hàng, anh em ruột thịt. Tuy chưa đến mức gây nên thảm án rúng động như vừa kể trên, nhưng “lôi nhau ra hầu tòa” hoặc gây trọng thương lẫn nhau từng được ghi nhận.

Gần như trong cùng một thời điểm, những câu chuyện trái ngược về cách hành xử với đất đã cùng xảy ra.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng qua đó cho thấy, cách hành xử nhân văn đã đẩy đất lên ở một ngưỡng giá trị khác khi được đong đo bằng tình người. Ở đây, tình người đã thấm vào đất, trở nên vô cùng quý giá, đất không còn quy ra tiền bạc được nữa mà trở thành vô giá!

THẢO LINH

.
.
.