Phòng chống tin giả
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chỉ đạo nhiệm vụ “Phòng chống tin giả”, coi đây là công việc hàng ngày, không thể coi nhẹ. Ngày 16/7/2019, khi làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: TP. Hồ Chí Minh là địa phương sẽ phổ cập sử dụng mạng 5G trong thời gian tới, trên toàn địa bàn; phấn đấu đến năm 2022 mọi người dân TP. Hồ Chí Minh đều sử dụng smartphone - điện thoại thông minh. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển mạng Internet nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với hơn 64% dân số sử dụng Internet, truy cập mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Tin giả, tin độc hại gắn với mạng xã hội. Mọi người phải sống chung với nó - trên thế giới cũng như ở Việt Nam; phòng chống tin giả; chống a dua trên mạng xã hội là trách nhiệm của công chức, viên chức, của công dân, của báo chí chính thống.
Với sự bùng phát mạnh mẽ của công nghệ, người ta đang nói đến “đại dịch” và “vấn nạn” tin giả, đen trắng lẫn lộn, hệ lụy khó lường. Tin giả được tạo dựng từ yếu tố kỹ thuật, lồng ghép ảnh, tiếng nói, dựng chuyện có chủ đích. Mới đây, DeepNude đã thu hút sự chú ý trên diễn đàn mạng xã hội, khi nó được phát hiện bởi Motherboard. Ứng dụng này có thể hoạt động được trên Windows và Linux, sử dụng Al dễ dàng biến một bức ảnh phụ nữ thông thường thành ảnh khỏa thân giả mạo, kèm theo lời chú dẫn có dụng ý. Người ta lồng ghép ảnh - giọng nói, đầu Ngô mình Sở, lấy đầu ông A ghép vào thân bà B; dựng mới những tấm ảnh, clip - video về một sự kiện giả, bịa đặt, biến không thành có rồi tung lên mạng xã hội, dàn dựng theo kịch bản có sẵn, kẻ tung người hứng.
Tin giả, sự kiện giả có thể được dàn dựng thành một chuỗi dồn dập kiểu “đánh hội đồng” trên mạng xã hội, cứ y như thật, đủ sức làm khuynh đảo sự nghiệp của một người, nhóm người, một tổ chức, bôi đen một sự kiện kinh tế - xã hội nào đó. Một vài ví dụ tin giả: Tin máy bay rơi; tin vỡ đập thủy điện, bắt cóc trẻ em; tin đổi tiền; về giả về dự án… nhà đất khu vực A, khu vực B; học sinh ăn thịt heo nhiễm khuẩn. Thậm chí, gần đây trên Facebook đã xuất hiện tài khoản giả mạo mang tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN”. Tài khoản này copy đầy đủ hình ảnh các nhà lãnh đạo, với nhiều nội dung được chia thành các chuyên mục, với một số sự kiện có thực, rồi cái thực xen kẽ cái không có thực, lồng cái giả để xuyên tạc cái thực. Fanpage mạo danh “Báo Công an” cũng đã được mạo danh như thế. Tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi có một nhóm người đã làm giả văn bản của chính quyền rồi tung cái giả đó lên mạng về quy hoạch đầu tư, quy hoạch đất ven biển nhằm “thổi” giá đất lên cao. Họ giả mạo tin để rao bán “dự án ma” mang tính lừa đảo, trục lợi, gây rối trật tự xã hội. Các “dự án ma” của Công ty Địa ốc Alibaba trên địa bàn Đồng Nai, BR-VT... cũng đã được tung lên mạng xã hội chào bán - mồi chài “đầu voi đuôi chuột”.
Có loại tin giả nhằm mục đích chính trị của các thế lực thù địch nhằm chống phá, gây rối, tạo sự bất an, mất lòng tin xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, hòng làm thay đổi thể chế, chế độ chính trị. Có loại tin giả là do a dua, vào hùa, comment sự kiện giả chỉ vì sự “hiếu kỳ”, nói cho “sướng” miệng, vô tình bị lợi dụng phục vụ cho động cơ xấu. Có loại tin giả của “nhóm lợi ích” nhằm vụ lợi kinh tế.
Các cơ quan báo chí là lực lượng tiên phong phòng chống tin giả, dưới 2 góc độ: Coi trọng việc thông tin nhanh nhạy, trung thực, khách quan các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, của các ngành, các địa phương, qua đó góp phần sắc bén phản bác thông tin giả. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi công dân, công chức, viên chức, nhà báo không a dua với mạng xã hội, không đứng ngoài cuộc, không bị dẫn dắt, vô tình tiếp tay cho tin giả, và những thông tin chưa được thẩm định. Trên cơ sở Luật Báo chí năm 2016 và các bộ luật liên quan, mọi công dân, cán bộ, công chức, viên chức cần chuẩn mực khi sử dụng mạng xã hội. Sự ứng xử chuẩn mực đó sẽ góp phần tích cực phòng chống tin giả trên mạng xã hội.
HẢI VÂN