Trị "bệnh" cho công chức
Cách đây hơn 1 tuần, trong phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, khi đề cập đến tinh thần làm việc, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức (CBCC) hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói, đại đa số CBCC làm tốt, có nhiều cố gắng, có trách nhiệm nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực, bê trễ, lơ là công việc. Thủ tướng nhắc nhở các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục tình trạng “nói hay làm dở, trách nhiệm thấp”, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ.
Như vậy, theo “bắt mạch” của người đứng đầu Chính phủ, một bộ phận CBCC hiện nay vẫn còn 2 “bệnh” cần phải được tích cực chữa trị: “bệnh” bê trễ, lơ là công việc, ăn cắp giờ công và “bệnh” nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà DN, người dân.
Khách quan mà nói, 2 “bệnh” trên của CBCC đã được các bộ, ngành, địa phương chẩn đoán, “bốc thuốc” chữa trị từ lâu. Với “bệnh” nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm rà soát, phát hiện những CBCC có dấu hiệu hoặc có dư luận về tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, vòi vĩnh, đòi chung chi, đã hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho DN và người dân. Nhiều địa phương đã công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, DN về hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh của CBCC để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.
Việc siết chặt kỷ cương hành chính, quyết liệt chấn chỉnh tác phong làm việc của CBCC cũng được tích cực triển khai. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đích thân “vi hành” đến các nhà hàng, quán nhậu, tiệm cà phê trên địa bàn để giám sát tình trạng CBCC la cà quán xá và đã “bắt quả tang” nhiều trường hợp bỏ bê công việc. Không dừng lại ở đó, nhiều tỉnh, thành còn giao trách nhiệm cho báo, đài cử phóng viên quay phim ghi hình và phát trên sóng những CBCC chểnh mãng việc công, đi muộn, về sớm, la cà quán xá, uống rượu bia, cà phê…
Có một thực tế là sau những chuyến “vi hành”, kiểm tra đột xuất của lãnh đạo tỉnh, tuy đã “bắt quả tang” hành vi ăn cắp giờ công của những CBCC nhưng việc xử lý vẫn là “giơ cao đánh khẽ”. Cho đến nay vẫn chưa có công chức nào bị xử lý bằng hình thức cho nghỉ việc. Tất cả chỉ mới dừng lại ở mức độ kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm “nếu tái phạm sẽ kiến nghị chế tài xử lý nghiêm”.
Thật ra, số người “ăn cắp” giờ công không chỉ có những CBCC bị “bắt quả tang” mà còn có những đối tượng khác. Đó là những CBCC “không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” - theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những CBCC này không đi bia bọt, không ngồi đồng ở quán cà phê, tối ngày “trực” ở cơ quan nhưng chẳng làm việc gì, cứ chờ đến tháng lĩnh lương. Buồn thay, số CBCC “có cũng như không” này lại chiếm không nhỏ trong bộ máy công quyền!
Trị bệnh “ăn cắp” giờ công bằng việc “vi hành”, quay phim “bắt quả tang” chỉ là biện pháp tức thời, xử lý đằng ngọn. Việc trị bệnh nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “ ăn cắp” giờ công chỉ đạt hiệu quả cao khi Chính phủ, các bộ, ngành chức năng quyết liệt cải tổ bộ máy hành chính, mạnh dạn sàng lọc để loại bỏ những CBCC yếu kém, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả với sự tham gia, cống hiến của những CBCC mẫu mực, năng lực, tâm huyết, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
Chừng nào chưa xây dựng được những quy định có tính pháp lý về hoạt động công vụ, những hành xử tiêu cực, nhũng nhiễu, ăn cắp giờ công của một bộ phận CBCC vẫn còn xảy ra dưới dạng này hay dạng khác, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước.
NGUYỄN TRIỆU HẢI