.

Để Việt Nam là nơi đáng sống với tất cả

Cập nhật: 07:59, 12/07/2019 (GMT+7)

Theo báo cáo HSBC Expat 2019 vừa được ngân hàng HSBC công bố tuần trước, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tốp 10 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài sống và làm việc trên thế giới. Báo cáo này dựa trên phản hồi của hơn 18 ngàn người nước ngoài đến sống ở 163 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đây là thông tin tích cực rất đáng chú ý, là sự ghi nhận cho những tiến bộ, mức độ cởi mở của Việt Nam, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội.

Khoảng trước những năm 2000, khi đất nước mới mở cửa, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc chủ yếu là chuyên gia, nhân sự cấp cao (giám đốc điều hành, giám đốc tài chính các tập đoàn quốc tế, công ty đa quốc gia...). Từ sau năm 2000 đến nay, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc đông hơn, ở nhiều ngành nghề, trình độ.

Còn nhớ, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu đi lên chuyên nghiệp vào năm 2000, nhiều CLB đã ồ ạt vung tiền chiêu mộ cầu thủ nước ngoài với mức thu nhập hàng chục ngàn USD/tháng, cao hơn nhiều lần so với cầu thủ trong nước. Nhiều cầu thủ còn được CLB chủ quản làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam. Và hiện nay, đội bóng nào cũng có vài cầu thủ nước ngoài. Trong lĩnh vực kinh tế, số DN nước ngoài đến Việt Nam đầu tư ngày một gia tăng với những nhà máy, xí nghiệp quy mô hàng chục ngàn lao động. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những nhà hàng, quán ăn do người nước ngoài làm chủ tại nhiều địa phương. Họ nói được tiếng Việt, hiểu văn hóa, thói quen của người Việt và sẵn sàng làm hài lòng “thượng đế”. Đặc biệt, ở những địa phương có ngành du lịch phát triển còn xuất hiện những khu phố Tây với nhiều khách sạn và hệ thống dịch vụ đi kèm. Trong lĩnh vực giải trí, một số người nước ngoài cũng thành danh và “chiếm sóng” trên nhiều kênh truyền hình. Với sự nở rộ của các trung tâm Anh ngữ, nhiều người nước ngoài sang Việt Nam làm nghề dạy tiếng Anh, thu nhập hàng ngàn USD/tháng…

Báo cáo trên chỉ ra những yếu tố Việt Nam được đánh giá cao là dễ thiết lập cuộc sống mới, nền kinh tế ổn định, cơ hội thăng tiến sự nghiệp tốt, yếu tố cân bằng cuộc sống cao và cuộc sống của người thân thuận lợi. Việt Nam đang mở cửa, ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Chính trị ổn định, kinh tế đang phát triển, môi trường đầu tư ngày một thông thoáng, chi phí sản xuất và sinh hoạt rẻ, phong cảnh đẹp, thức ăn ngon, người dân thân thiện, mến khách… là những điểm cộng của Việt Nam trong mắt người nước ngoài. Phần lớn những người nước ngoài tham gia khảo sát đều cho biết họ tìm được công việc tốt ở Việt Nam, nhận được nhiều quyền lợi hỗ trợ cuộc sống tiện nghi hơn những quốc gia ở cùng một vị trí công việc.

Dự báo lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc và sinh sống còn tiếp tục gia tăng. Họ góp phần mang lại cho chúng ta nhiều giá trị, nếu biết chắt lọc và tiếp thu những cái hay, cái tốt từ họ. Đó là tác phong công nghiệp, thái độ làm việc khoa học, nghiêm túc, công nghệ, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng tổ chức, điều hành công việc; lối sống văn minh và cả cách… kiếm tiền của họ.

Chúng ta tự hào và vui mừng về những đánh giá tích cực trong báo cáo nêu trên, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự trở thành nơi đáng sống, đáng làm việc cho tất cả. Cởi mở với người nước ngoài nhưng cũng đừng quên phải làm cho Việt Nam thành nơi đáng sống, đáng làm việc với chính người dân nước mình. Mỗi năm, chúng ta có hàng chục ngàn sinh viên ra nước ngoài du học nhưng nhiều người trong số họ đã quyết định không trở về nước làm việc.

Hiển nhiên là chưa bao giờ có mẫu số chung trong việc lựa chọn không gian sống cho tất cả. Có người ở lại nước ngoài vì cơ hội việc làm, vì thu nhập nhưng đôi khi, đơn giản chỉ là yêu thích một sự thay đổi, một không gian sống mới mẻ khác với những gì họ đã từng gắn bó.  

Nhưng dù sao, trong các yếu tố chi phối đến quyết định của họ, việc đất nước cần làm là phải loại bỏ được những lý do khách quan thuộc về cơ chế, chính sách và những bất cập về thu nhập, cơ hội công việc. Từ đó, xóa bỏ hết các vật cản, để nuôi dưỡng ước muốn trở về quê hương làm việc và cống hiến của những ai đang sinh sống và học tập ở nước ngoài. Có như vậy, “chất xám” của đất nước mới không bị “chảy máu”. Và có như vậy, Việt Nam mới thực sự là nơi đáng sống với tất cả. 

NGUYỄN ĐỨC 

 

.
.
.