Kỳ vọng một mùa chấm thi minh bạch, công bằng
Theo kế hoạch, ngày 14/7, các Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia năm học 2018-2019. Những ngày vừa qua, phụ huynh và các em học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp năm nay nóng lòng chờ đợi thành quả sau 12 năm đèn sách và kỳ vọng sẽ được hưởng một mùa chấm thi minh bạch, công bằng.
Công tác chấm thi trong những ngày vừa qua được các Sở GD-ĐT và các trường đại học triển khai một cách khẩn trương. Xác định yêu cầu “công bằng, nghiêm túc, khách quan” cùng với việc thực hiện đúng quy chế của Bộ GD-ĐT, nhiều địa phương trong cả nước đã đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ với mục tiêu có được kết quả chấm thi chính xác nhất nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các thí sinh.
Mùa thi năm nay, với gần 900.000 thí sinh dự thi, khi nhân lên theo số các môn thi, thì lượng bài thi của cả nước lên tới con số hơn 5 triệu. Với số lượng bài thi đồ sộ đó, để có kết quả thi chính xác, kịp tiến độ, không chỉ cần sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, kỹ càng mà quan trọng hơn chính là lương tâm, trách nhiệm của những thầy cô giáo từ 63 Sở GD-ĐT và những cán bộ, giảng viên của các trường đại học được giao nhiệm vụ “cầm cân, nảy mực” vì một thế hệ học sinh và vì niềm tin của phụ huynh và của toàn xã hội đối với ngành giáo dục.
Hệ lụy từ việc nâng điểm khống cho hàng trăm thí sinh trong mùa chấm thi năm học 2017-2018 tại các địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… để lại những hậu quả đáng tiếc, làm sai lệch một cách nghiêm trọng kết quả thi tại nhiều địa phương, dẫn tới việc xét tuyển vào các trường đại học bị méo mó và làm giảm lòng tin của người dân đối với chuyện thi cử. Vì vậy, công tác chấm thi THPT quốc gia năm nay được dư luận quan tâm một cách đặc biệt, nhất là những kẻ hở trong công đoạn chấm thi trắc nghiệm, như: Chỉnh sửa kết quả, can thiệp vào đáp án bài làm của thí sinh… Bắt đầu từ quy định khung và từ bài học của năm 2018, năm nay Bộ GD-ĐT đã có nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong chấm thi trắc nghiệm. Theo đó, Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp và hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người sử dụng; đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép lên bài thi. Đối với bài thi tự luận (môn Ngữ văn) tiếp tục thực hiện như năm 2018, do các Sở GD-ĐT chủ trì, nhưng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, thẩm định của Bộ GD-ĐT và của các trường đại bọc, cao đẳng. Bên cạnh đó, không chỉ chấm thẩm định 5% số bài thi tự luận, mà các bài được điểm cao cũng sẽ được chọn để chấm kiểm tra.
Có thể thấy, thay đổi lớn nhất trong mùa chấm thi THPT quốc gia năm nay là các trường đại học được giao nhiệm vụ chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Đây được coi là bước điều chỉnh thích hợp của Bộ GD-ĐT, khi tách riêng khâu chấm thi trắc nghiệm khỏi những cơ quan vừa tổ chức dạy học, vừa tổ chức thi và chấm thi. Từ đó, tính khách quan sẽ cao hơn, kết quả chấm thi sẽ minh bạch hơn và sẽ được người dân tin tưởng hơn. Bởi mục đích lấy kết quả của kỳ thi “2 trong 1” ngoài việc xét tốt nghiệp THPT, là để các trường đại học sử dụng, không liên quan tới thành tích của trường đại học được phân công về các địa phương chấm thi. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), “Với tâm thế đó, việc các trường đại học chấm thi trắc nghiệm là một trong những yếu tố làm cho kết quả thi khách quan hơn, yên tâm hơn, đáng tin cậy hơn. Nguy cơ can thiệp vào kết quả thi được giảm thiểu tối đa”.
Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong các công đoạn chấm thi; nâng cấp và hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm cho các trường đại học; thực hiện nghiêm ngặt quy chế, quy định trong các khâu chấm thi; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát… là những tín hiệu tích cực tạo dựng niềm tin của người dân đối với công tác cải cách trong thi cử của ngành giáo dục. Hy vọng những kẻ hở của mùa thi năm 2018 sẽ được chặn lấp, điểm thi THPT quốc gia năm nay sẽ phản ánh đúng thực chất việc dạy và học của từng địa phương trong cả nước.
HOÀNG LÊ