.

Vượt "đường cao tốc" vào EU

Cập nhật: 19:07, 01/07/2019 (GMT+7)

Ngày 30/6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết 2 thỏa thuận gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Theo thỏa thuận tại EVFTA, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi hiệp định có hiệu lực vào năm tới và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Trong khi đó, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan, với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm. 

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong ASEAN, sau Singapore, khi kim ngạch hàng hóa 2 chiều đạt khoảng 49,3 tỷ Euro và kim ngạch dịch vụ khoảng 3 tỷ Euro. Những loại hàng hóa chủ yếu mà EU nhập từ Việt Nam như: thiết bị viễn thông, giày dép và dệt may, đồ nội thất và nông sản. Ở chiều ngược lại, EU xuất khẩu sang Việt Nam máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất, thực phẩm và đồ uống. 

Giới chuyên gia kinh tế và cộng đồng DN nhận định, việc ký kết Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU và ngược lại, người tiêu dùng trong nước sẽ hưởng lợi khi được sử dụng hàng hóa chất lượng cao với giá cả hợp lý từ khu vực này. Từ năm 2020, khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh mẽ ở mức 2 con số.

Tuy nhiên, EU vốn nổi tiếng là thị trường khó tính. Để được thị trường này chấp nhận, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng và xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu. Đây là thách thức không nhỏ với các DN Việt Nam, bởi đa số DN có quy mô nhỏ, năng lực, kinh nghiệm sản xuất hàng xuất khẩu vào những thị trường đòi hỏi yêu cầu cao như EU còn nhiều hạn chế. Thực tế, nhiều mặt hàng của Việt Nam như thủy sản, da giày, dệt may khi xuất khẩu vào Mỹ và EU đã từng bị đánh thuế chống bán phá giá hoặc bị rút “thẻ vàng” vì liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ EU, nhất là nhóm thực phẩm và dược phẩm - những mặt hàng vốn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng - khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đến hàng trong nước. Khi đó, người tiêu dùng được lợi, nhưng các DN sản xuất trong nước sẽ phải nỗ lực rất nhiều trước sức ép của hàng hóa từ EU ngay trên sân nhà. 

Những áp lực này là điều bắt buộc và chúng ta phải chấp nhận bởi xu thế hội nhập, hợp tác, mở cửa thị trường ngày càng sâu rộng. Về tổng thể, EVFTA tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào EU, giúp người tiêu dùng trong nước được sử dụng hàng hóa từ EU với giá rẻ. Mặt khác, áp lực từ việc thực thi hiệp định này đòi hỏi cả nhà nước và DN phải không ngừng tự cải thiện, hoàn thiện mình để hướng tới mục tiêu xuất khẩu nhiều hàng hóa, tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp EU và sâu xa hơn nữa là vì một nền sản xuất bền vững, một thị trường an toàn hơn... Thực tế cho thấy, những năm qua, một số DN xuất khẩu của Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong đó có EU. Các DN khác có thể học hỏi được kinh nghiệm từ những DN lớn, tên tuổi hàng đầu Việt Nam trong công tác chuẩn bị nhằm đón đầu cơ hội từ EVFTA thông qua việc tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, chuẩn bị nguồn nguyên liệu đạt chuẩn và cả chuỗi liên kết tạo nên sản phẩm. 

Việc ký kết Hiệp định EVFTA và IPA được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như “Đường cao tốc quy mô lớn”, giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Cộng đồng DN Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế để bước đi trên con đường lớn đó. Hàng hóa Việt Nam có thể vượt lên trên hay bị đẩy lùi lại phía sau, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, yếu tố quyết định chính là nỗ lực của mỗi DN.

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.