.

Đẩy lùi cái ác và sự vô cảm

Cập nhật: 18:31, 02/07/2019 (GMT+7)

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội dấy lên cuộc tranh luận dữ dội xoay quanh vụ tài xế taxi hãng Vinasun gây tai nạn (trên đường Tân Hương, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) khiến 1 người tử vong, 1 người phải nhập viện. Điều khiến dư luận phẫn nộ là sau cú va chạm thảm khốc, tài xế taxi mở cửa xuống nhìn một lúc rồi bỏ đi khỏi hiện trường. Nhiều người đi đường trông thấy cũng dửng dưng đi qua, bỏ mặc 2 nạn nhân nằm bất động trên hè phố, giữa đêm khuya.

Nhóm người ủng hộ quan điểm phải xả thân cứu người cho rằng, rất có thể cô gái vẫn còn sống nếu như được cứu chữa kịp thời. Tại sao người lái taxi gây tai nạn và hàng chục người đi qua hiện trường ngày hôm đó không đưa nạn nhân đi cấp cứu hoặc chí ít cũng bấm một cú điện thoại gọi cấp cứu, báo cảnh sát giao thông. “Tình người ở đâu, đạo lý ở đâu?”, “Những kẻ vô cảm”… Hàng loạt từ ngữ nặng nề được tung ra phê phán thái độ dửng dưng của những người bỏ mặc nạn nhân. Theo họ, vô cảm trong trường hợp này chính là tội ác!

Ở chiều ngược lại, không ít người nói họ biết cứu 1 mạng người còn hơn xây 7 tòa tháp nhưng thà bị nói vô cảm còn hơn giúp người mà rước họa vào thân. Đã có nhiều trường hợp vì cứu người mà gặp nhiều phiền toái với cơ quan công quyền, bị dàn dựng để lừa đảo, bị người nhà nạn nhân chửi bới, đánh đập, đổ oan là thủ phạm. Lòng tốt không phải lúc nào cũng được đặt đúng chỗ. Những người này kết luận.

Cuộc tranh luận dừng lại ở đó vì không ai làm trọng tài phân định đúng sai. Nhưng dư luận nói chung vẫn cho rằng, từ trong sâu thẳm, họ nghe lời mách bảo của lý trí, đạo đức, lương tâm rằng, dù bị gặp rắc rối, bị hiểu nhầm cũng không dửng dưng bỏ mặc đồng loại của mình. Tính mạng con người phải được đặt lên trên hết, bất kể lý do gì!

Bất cứ ai dù lạc quan đến mấy cũng không khỏi ưu tư sau khi xem nhiều thông tin tiêu cực trên các trang báo mỗi ngày. Cái ác, cái xấu thể hiện qua hành vi cướp của, giết người, cưỡng hiếp, bỏ mặc người bị nạn đã không được xử lý thỏa đáng, kịp thời. Với tâm lý can ngăn, giúp đỡ không chừng không cứu được người mà bản thân lại mang họa, người ta ngày càng dửng dưng trước những hành vi vô cảm. Những mảng xám ấy tuy chỉ là một phần của xã hội nhưng cũng cho thấy một góc chân dung cuộc sống với tình trạng đạo đức xuống cấp, chất lượng sống chưa như ý. Xã hội nào cũng có những hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, trong một xã hội có tổ chức với con người là chủ thể được điều chỉnh và bảo vệ bởi các thiết chế luật pháp, hiện tượng đó đáng phải suy nghĩ.

Để đẩy lùi cái xấu, cái ác, giáo dục phải đóng vai trò hàng đầu. Tất nhiên giáo dục ở đây có nội hàm rộng chứ không chỉ giới hạn trong trường học. Những bài học về đạo làm người từ lời ăn tiếng nói, sự nhường nhịn, chia sẻ đến sự tử tế giữa con người với nhau phải được đề cao trước hết từ trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội.

Không ở đâu mà điều thiện, sự tử tế, lòng yêu thương con người được dạy dỗ tốt và có hiệu quả bằng môi trường gia đình. Quan tâm làm sống lại những giá trị đạo đức truyền thống, xây dựng nền nếp gia đình, thực hiện việc nêu gương của người lớn với trẻ nhỏ, xây dựng quan hệ tình người trong cuộc sống, đề cao những tấm gương sáng đẹp về văn hóa, lối sống và lòng yêu thương con người… đó là cách thực hiện trách nhiệm đạo đức và là sức đề kháng quan trọng để tiết chế, loại trừ cái xấu và cái ác cho bản thân mỗi người và cho xã hội.

Để đẩy lùi cái xấu, cái ác, bệnh vô cảm, các cơ quan thực thi pháp luật không chỉ làm theo chức trách mà còn phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ cao nhất.

Chỉ giáo dục, kêu gọi công dân sống và tuân thủ pháp luật là chưa đủ, cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ bên cạnh những quy định pháp lý cụ thể để đẩy lùi cái xấu, cái ác và sự vô cảm. Để cái xấu, cái ác tồn tại như một khối u ác tính, pháp luật không chỉ mất nghiêm mà còn sẽ trở nên yếu thế trước, không còn là chỗ dựa tin cậy của người dân.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.