Cần nghiên cứu kỹ khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển
Theo kế hoạch tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 của Bộ GD-ĐT, từ ngày 22 đến 31/7, là thời gian để thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Năm nay, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH, CĐ theo 2 phương thức: Trực tuyến và bằng phiếu ĐKXT. Với phương thức trực tuyến, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 29/7; Với phương thức bằng phiếu ĐKXT, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7.
Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức đã nêu ở trên. Trong trường hợp điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Đối với trường hợp điều chỉnh bằng phiếu ĐKXT, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.
Đây là thời điểm rất quan trọng để thí sinh căn cứ vào năng lực, tố chất, tính cách cá nhân; căn cứ vào điểm sàn của các trường ĐH, CĐ và điểm thi tốt nghiệp THPT đã đạt được, để nhìn nhận lại, nghiên cứu và cân nhắc kỹ thêm về các nguyện vọng xét tuyển đã đăng ký trước đó. Thống kê sơ bộ của một số trường ĐH, CĐ cho thấy, trong đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tháng 4/2019) các thí sinh đăng ký phổ biến ở mức 1-3 nguyện vọng. So với các năm trước, tình trạng thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều thí sinh trông chờ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để điều chỉnh thay đổi nguyện vọng ĐKXT.
Kết quả khảo sát những năm gần đây của ngành GD-ĐT cho thấy, tình trạng sinh viên năm thứ nhất tại các trường ĐH, CĐ bỏ học không ít. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do trong quá trình chọn ngành, chọn trường, thí sinh đã không nghiên cứu, cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Nhiều trường hợp đăng ký theo phong trào, theo “hiệu ứng đám đông”, theo gợi ý của gia đình và bạn bè, mặc dù không đam mê, không phù hợp với tính cách cá nhân, nên khi đã nhập học rồi mới nhận ra thì đã muộn.
Vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong thời điểm được quyền lựa chọn lại lần cuối cùng nguyện vọng xét tuyển vào ngành, nghề, vào trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực, tính cách cá nhân, cũng là dịp để chốt lại tương lai nghề nghiệp mai sau của mỗi thí sinh. Theo các chuyên gia, kinh nghiệm điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT của các thí sinh những năm gần đây cho thấy, điều cần cân nhắc là số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành. Với các ngành có số lượng đăng ký nguyện vọng 1 nhiều, tỷ lệ chọi khá cao và nếu kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức không an toàn so với điểm sàn xét tuyển, thì thí sinh cần cân nhắc thay đổi nguyện vọng. Nếu với những ngành yêu thích, nhưng sau khi nhận thấy điểm thi khó đậu, thí sinh có thể tính toán giải pháp an toàn, chọn cơ hội ở trường học, ngành học khác. Trường hợp điểm tốt nghiệp đạt ở mức cao, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng chọn những ngành hoặc những trường chất lượng hơn. Với những thí sinh đã tự tin với nguyện vọng đăng ký ban đầu và điểm thi cũng nằm ở ngưỡng an toàn, thì thí sinh không nên điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.
Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay được Bộ GD-ĐT triển khai theo hướng mở, bám sát tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Việc hoàn thiện quy chế, quy trình và các giải pháp về kỹ thuật phần mềm trong công tác tuyển sinh, giúp các trường ĐH, CĐ tuyển được thí sinh phù hợp, chất lượng. Điểm mới của công tác tuyển sinh năm nay là các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong công tác tuyển sinh, nên đã lập phương án tuyển sinh với nhiều phương thức, như: Xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét thí sinh đạt học sinh giỏi 3 năm THPT, xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT… Thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn ngành học, trường học theo đúng nguyện vọng, sở thích và mơ ước của cá nhân. Các trường tạo nhiều cơ hội cho thí sinh vào trường, nhưng siết chặt chất lượng đào tạo và đầu ra. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là việc thí sinh phải xác định được tố chất, niềm đam mê và tính cách cá nhân trong việc chọn ngành, chọn trường. Vì điều này sẽ quyết định tương lai lâu dài của mỗi thí sinh, không chỉ trong những năm khi còn là sinh viên, mà cả khi ra trường để phát huy được sở trường và năng lực nghề nghiệp.
HOÀNG LÊ