.

Siết chặt quản lý sản xuất rượu, bia

Cập nhật: 17:37, 23/05/2019 (GMT+7)

Trong phiên làm việc ngày hôm qua (23/5), một lần nữa đề tài “tác hại của rượu, bia” lại làm nóng nghị trường Quốc hội khi các đại biểu Quốc hội thảo luận xung quanh dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đây là một dự án luật được cả xã hội quan tâm bởi rượu bia liên quan đến sự duy trì của giống nòi, liên quan đến sức khỏe của người dân; liên quan đến sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ.  

Theo các số liệu khảo sát, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tiêu thụ rượu tăng nhanh nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010, gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tiêu thụ của Ấn Độ (37,2%). Và trong một báo cáo được công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam ở bậc cao so với các nước trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần so với người Singapore. Điều đáng nói là tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “chóng mặt” tại Việt Nam cũng tỷ lệ thuận với tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia rượu. Kết quả của một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới thực hiện cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Năm 2016, xảy ra gần 21.500 vụ tai nạn giao thông với 8.700 người chết thì chỉ riêng tai nạn giao thông do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), thời gian gần đây, có tới 65 - 70% vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, rượu, bia còn gây ra nhiều loại bệnh lý khác, nhất là bệnh ung thư. Rượu, bia gây thiệt hại cho gia đình, xã hội và cả nền kinh tế là quá lớn. Chính vì thế, việc Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật đối với dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế người dân uống bia rượu, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh.

Trong phiên thảo luận sáng qua, có khá nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn vì so với nội dung dự thảo ban đầu, dự thảo trình ra Quốc hội lần này có nhiều điều khoản yếu hơn như: Quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị thay thế bằng chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia; bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet, dự thảo lần này bị bỏ qua, không đưa vào hành vi cấm; bỏ quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên internet, mạng xã hội; đối với bia từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn thì không bị đưa vào diện quản lý việc khuyến mại, quảng cáo…  Những khoảng trống pháp lý này chắc chắn rằng sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực thiễn, không đạt được mục đích mà dự án Luật đưa ra: hạn chế, giảm dần tình trạng lạm dụng rượu, bia để cải thiện sức khỏe cho nhân dân, hạn chế các tác động do rượu, bia mang lại cho xã hội. 

Trên thực tế, ngành công nghiệp rượu, bia đã đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước và việc ban hành các quy định pháp luật hạn chế việc sản xuất, lưu thông, mua bán, tiêu thụ rượu, bia sẽ ít nhiều tác động đến ngành này. Tuy nhiên, vì lợi ích lâu dài, việc siết chặt quản lý sản xuất rượu, bia là cần thiết nhằm phát triển nguồn nhân lực và nòi giống của dân tộc. Những băn khoăn, trăn trở của các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ trách nhiệm cao trước cử tri cả nước trước những vấn nạn do bia rượu đem lại. Làm rõ những điểm còn hạn chế trước khi bấm nút thông qua là điều cần thiết nhằm bảo đảm Luật ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và chăm lo bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

MINH QUANG

 

.
.
.