Báo động đỏ trong tháo gỡ thẻ vàng thủy sản
Kể từ tháng 10/2017 đến nay, sau gần 2 năm, nước ta bị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng thẻ vàng cảnh cáo đối với thủy sản đánh bắt trên biển, chúng ta vẫn chưa thực hiện đầy đủ 4 khuyến nghị của EU. Không những thế, việc kiểm soát hoạt động ngoài khơi của tàu cá, nhất là việc truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn còn nhiều dấu hiệu bất cập, dẫn tới nguy cơ báo động đỏ trong tháo gỡ thẻ vàng thời gian tới.
Trước thực trạng nguồn cung thủy sản xuất khẩu vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều cuộc họp với 28 tỉnh, thành phố có các hoạt động khai thác trên biển, tìm cách tháo gỡ khó khăn và triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện 4 khuyến nghị của EU (bao gồm: (1) Khung pháp lý; (2) Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; (3) Thực thi pháp luật; (4) Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác).
Nhờ sự vào cuộc khẩn trương và quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền, của cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đánh bắt thủy sản… nên bước đầu được EU ghi nhận là đã có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, so với nội dung 4 khuyến nghị mà EU đưa ra, khai thác thủy sản của nước ta vẫn chưa đáp ứng được một cách đồng bộ các yêu cầu. Trong đó, nổi lên là tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển của các nước trong khu vực. Hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu được kiểm tra đều không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi. Cơ sở vật chất, hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng quy mô và tốc độ phát triển; nguồn nhân lực cho quản trị nghề cá còn thiếu và yếu.Việc thực hiện quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng theo chỉ định còn chậm; phương án, kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các loại tàu cá chưa đúng tiến độ.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) trong năm 2018 đã xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017. Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá nước ta vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Trong đó, các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý là: Kiên Giang, BR-VT, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận. Đặc biệt, nguy hại hơn là tái diễn tình trạng móc nối đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; nhiều chủ tàu sử dụng biển số giả, tự ý sơn tàu cá giống với tàu nước sở tại để khai thác thủy sản trái phép….
Nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm của tàu cá Việt Nam tại nhiều vùng biển nước ngoài còn khó xử lý dứt điểm là do các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng các tàu khai thác thủy sản trái phép chưa quyết liệt và chưa nghiêm; nhiều địa phương chưa xử phạt hoặc xử phạt chỉ mang tính chiếu lệ. Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; việc ghi chép hồ sơ tàu cá ra, vào cảng và kiểm soát sản lượng hải sản cập bến còn nhiều sai sót; đáng lưu ý là việc ghi chưa đầy đủ ngày, giờ tàu cá ra, vào cảng và thực hiện chưa nghiêm việc thu nộp sổ nhật ký khai thác hải sản.
Dự kiến vào tháng 10 tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để đánh giá các biện pháp chống khai thác IUU (đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát), nếu tiếp tục không đạt yêu cầu, thì thủy sản đánh bắt của nước ta có thể sẽ bị EU gắn “thẻ đỏ”, bị cấm xuất khẩu vào châu Âu.
Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành thủy sản, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Luật Thủy sản, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan tới chống khai thác IUU. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; xem xét, khởi tố hình sự một số vụ việc điển hình để bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu nghề cá VN-FISHBASE, hoàn thành việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho tàu cá trước tháng 7/2019. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá và thực hiện nghiêm quy định thu hồi giấy phép tàu cá vi phạm khai thác IUU.
HOÀNG LÊ