.

Nói "không" với tiền mặt, được không?

Cập nhật: 17:16, 16/06/2019 (GMT+7)

Hôm qua 16/6, lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra một sự kiện mà có lẽ với nhiều người hãy còn “lạ lùng” và mới mẻ: Ngày Không tiền mặt. 

Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và Báo Tuổi Trẻ -những đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện, Ngày Không tiền mặt được tổ chức nhằm khuyến khích người tiêu dùng trải nghiệm và sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch, thanh toán, thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 tại Việt Nam của Chính phủ.  

Hàng loạt ưu đãi khủng như hoàn tiền, giảm giá, miễn phí vận chuyển, tặng voucher đã được các ngân hàng thương mại (NHTM), ví điện tử và hệ thống siêu thị “tung” ra trong Ngày Không tiền mặt. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ, các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng, đem lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thú vị, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.  

Trên thế giới, các phương thức thanh toán kỹ thuật số đã được ứng dụng từ lâu. Thế nhưng tại Việt Nam, sử dụng tiền mặt trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ vẫn phổ biến trong nền kinh tế. Nghịch lý hơn, không ít người mua hàng online nhưng vẫn lại thanh toán… bằng tiền mặt. 

Sở dĩ tỷ lệ thanh toán tiền mặt vẫn còn cao là do người dân chưa quen các dịch vụ thanh toán trực tuyến, sợ phương thức thanh toán này không an toàn, sợ bị tính thêm phí giao dịch. Trên thực tế, nhiều khách hàng đã bị nhà hàng, quán ăn thu thêm 10% thuế VAT khi thanh toán bằng thẻ. 

Câu chuyện cặp vợ chồng ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh sau khi bán đất, nhận 2,5 tỷ đồng từ người mua, trên đường chạy xe máy về nhà bị một đối tượng đi xe máy tiếp cận, giật giỏ tiền rồi tẩu thoát vẫn được các chuyên gia ngân hàng dẫn ra để chứng minh phương thức thanh toán bằng tiền mặt ẩn chứa nhiều rủi ro và bất tiện. Trong khi đó, lợi ích của việc không dùng tiền mặt với các hình thức thanh toán như quẹt thẻ ATM, quét mã QR, ví điện tử… khi thanh toán là rất rõ ràng cho tất cả các bên gồm người dân, ngân hàng và doanh nghiệp. Đó là: Giúp quá trình thanh toán nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, minh bạch hóa các giao dịch; Giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn, huy động thêm vốn cho nền kinh tế, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn tiền và giúp phát hiện các thanh toán phạm pháp. Không chỉ vậy, còn góp phần thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.  

Hiện nay, chỉ tính riêng giao dịch thanh toán của người dân thì lượng tiền mặt vẫn ước khoảng 80% lượng tiền trong lưu thông. Thực tế đó, thôi thúc ngành ngân hàng thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.   

Để cộng đồng thấy rõ hơn những lợi ích thanh toán không tiền mặt, từ đó đến với phương thức thanh toán này nhiều hơn, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, ngành ngân hàng phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật, triển khai ứng dụng nhiều hình thức, phương thức thanh toán tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của các loại hình dịch vụ, hệ thống chuyển mạch thanh toán, kết nối với các ngân hàng thương mại, đơn vị thanh toán trung gian, bảo đảm hoạt động thanh toán thông suốt, an toàn. 

Rào cản lớn nhất của việc thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen cố hữu của người dân. Cơ quan chức năng mà chủ lực là hệ thống ngân hàng phải góp phần thay đổi thói quen đó bằng các chương trình giáo dục, truyền thông về những lợi ích của việc chi tiêu không tiền mặt. Phải tạo niềm tin để họ thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi. Khi thấy được sự tiện ích, người dân sẽ dần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt, chủ động tìm đến phương thức thức thanh toán mới. Từ việc nộp thuế, thanh toán viện phí, tiền điện, tiền nước, internet, mua sắm online… chỉ cần đưa thẻ cho siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, các cơ quan điện, nước… cà cái “rẹt” là xong như cách nói vui của nhiều chuyên gia kinh tế. 

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 

.
.
.