.

"Đơn đặt hàng" của Thủ tướng

Cập nhật: 17:14, 20/06/2019 (GMT+7)

Báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước, đi đầu trong bảo vệ những nền tảng giá trị của chế độ ta với sự nhanh nhạy, kịp thời, chính xác; Phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội là xây dựng, bảo vệ đất nước, giữ gìn văn hóa dân tộc; Nuôi dưỡng khát vọng thịnh vượng, hùng cường của dân tộc, góp phần đưa đất nước phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” giới báo chí như trên vào chiều 19/6 khi chủ trì buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019). 

Gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và loại hình. Phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, báo chí đã có những đóng góp to lớn vào những thành tựu nổi bật và toàn diện của đất nước. Đội ngũ những người làm báo có quyền tự hào về những đóng góp to lớn vào sự phát triển, trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam. 

Thế nhưng, người đứng đầu Chính phủ cũng không ngại nói thật: Báo chí thời gian qua chưa phát huy được lợi thế của mình trong việc dẫn dắt thông tin, định hướng dư luận; Còn không ít tiêu cực trong hoạt động báo chí như thương mại hóa, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách. Có những cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật; Một số ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa nhà báo tống tiền DN và người dân. Có tình trạng thông tin thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng dẫn đến thông tin sai, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, thậm chí dính “truyền thông bẩn”. 

Quả thật trong quá trình đổi mới, bị thị trường tác động, một số cơ quan báo chí đã có những biểu hiện lệch lạc mà điển hình là xu hướng “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc. Giờ đây, tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi đội ngũ những người làm báo Việt Nam xóc lại hành trang, khôi phục lại các giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí là tính cách mạng, tính tiên phong và tính trung thực.  

Những giá trị cốt lõi ấy - như gợi ý của Thủ tướng, là chủ động mang đến công chúng những thông tin chân thực, nhân văn và chuẩn xác, dẫn dắt và định hướng dư luận, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, gây tác động xấu đến đời sống xã hội; Là tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,  phát huy quyền làm chủ của nhân dân. 

Tìm lại những giá trị cốt lõi của báo chí còn là chú trọng phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những người tử tế, việc tử tế, những câu chuyện hay về công nhân, nông dân, tri thức, DN… làm lay động lòng người, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. 

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, kỷ nguyên kỹ thuật số, các cơ quan báo chí đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội phát triển. 

Để không bị tụt hậu, báo chí phải đi đầu trong áp dụng công nghệ mới, thích ứng với môi trường truyền thông số, sẵn sàng cạnh tranh với những “dòng chảy” thông tin khác, đáp ứng yêu cầu hoạt động của báo chí trong thời kỳ mới. Cùng với việc đầu tư, áp dụng công nghệ mới là công tác xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp; Bản thân mỗi nhà báo cũng tự giác rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực nghề nghiệp để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí mang tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính chiến đấu.   

Được Bác Hồ đặt nền móng và trực tiếp tham gia giáo dục, bồi dưỡng, báo chí cách mạng Việt Nam có một bề dày lịch sử phong phú. Báo chí và đội ngũ những người làm báo đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc. 

Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo, với tâm thế “mắt sáng, lòng trong,  bút sắc”, đội ngũ những người làm báo Việt Nam tự tin bước vào một hành trình mới, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước như người đứng đầu Chính phủ đã gửi gắm và kỳ vọng. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

.
.
.