Báo chí và những "chuyện tử tế"
Khi nhặt được số tiền lớn 7.400 USD và tìm cách trả lại người đánh rơi, từ chối tiền khen thưởng, chỉ nhận giấy khen, Nguyễn Ngọc Hiền, 26 tuổi, nhân viên vệ sinh chung cư Đất Phương Nam, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh không nghĩ rằng việc làm của mình lại được nhiều tờ báo “lăng xê” đến vậy.
Câu nói đơn giản của Hiền cũng được giới truyền thông trích dẫn như một thông điệp về nhân cách của một ngưởi tử tế “Khi nhặt được số tiền tay tôi run run, song tâm trí tôi không nghĩ ngợi gì hết, chỉ nghĩ rằng khổ chủ mất số tiền này cũng đau khổ lắm. Tôi nghĩ khi trả lại được số tiền này cho chính chủ của nó chắc họ vui lắm. Khi họ vui thì lòng tui cũng vui”.
Việc làm của Hiền cho thấy ai cũng có thể làm việc tử tế, bất kể họ là ai, dù họ giàu hay nghèo.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc TTXVN từng chia sẻ trên trang facebook cá nhân của ông rằng, lâu nay báo chí quá tập trung vào những mặt xấu mà nhiều lúc quên mất những câu chuyện đẹp trên đời. Không có những câu chuyện nhân văn như thế thì chúng ta làm sao còn động lực để sống... Cho nên cần những nội dung báo chí mang tính xây dựng, viết về những điều tốt đẹp.
Quả thật trước đây, đã có lúc công chúng tỏ ra ngao ngán khi bắt gặp trên mặt báo - đặc biệt các tờ báo điện tử tràn ngập những thông tin “tình-tiền-tù-tội” mang tính giật gân câu khách, cuộc sống chỉ toàn một màu xám, xã hội đầy rẫy sự giả dối, đảo điên trong khi những câu chuyện về người tử tế, việc tử tế ngày càng hiếm hoi. Thực tế ấy khiến bạn đọc ít nhiều mất đi niềm tin vào báo chí.
Nay thì đã khác. Bên cạnh các thể loại báo chí khác như tin, bình luận chuyên luận, phóng sự, điều tra… nhiều cơ quan báo chí còn xây dựng chuyên mục chuyện tử tế để giới thiệu những con người tử tế, tôn vinh giá trị sống đẹp. Những câu chuyện đời thường dung dị, không hề giật gân nhưng vẫn thu hút một lượng lớn độc giả. Chuyên mục “Việc tử tế” của Trung tâm Tin tức VTV24 là một minh chứng. Khi tỷ suất người xem (rating) của “Chuyển động 24h” là 7,6 thì rating của riêng chuyên mục “Việc tử tế” đạt 8,44. Điều đó có nghĩa là công chúng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho những con người - những việc làm tử tế, trong các loại tin tức cùng khung chương trình. Và con số này cũng cao gấp đôi, so với phần lớn các chương trình gameshow ăn khách hiện nay.
Ngoài việc chú trọng giới thiệu những chuyện tử tế, người tử tế, báo chí còn bắc những nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái với bao cảnh đời, số phận kém may mắn trong xã hội. Không chỉ vậy, những người làm báo còn làm công tác xã hội, hoạt động nhân đạo từ thiện. Chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười ở TP.Hồ Chí Minh do một số nhà báo lão thành xây dựng trở thành nơi lui tới hằng ngày của những người nghèo với mỗi suất ăn giá chỉ có 2.000 đồng. Nhờ chương trình “Cơm có thịt” do nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc AVG-Truyền hình An Viên vận động thành lập mà hàng ngàn học sinh nghèo vùng cao có điều kiện bám trường, bám lớp, nuôi lớn ước mơ về một tương lai tươi sáng. Hàng loạt nhà tình nghĩa, tình thương, nhiều phòng học ở vùng sâu, vùng xa hoặc chương trình tiếp sức cho ngư dân bám biển được nhiều báo Đảng địa phương vận động xây dựng, triển khai.
Những chuyên mục, hoạt động thực tế trên đây là thành quả của sự “vượt lên chính mình” của giới báo chí, mang ý nghĩa “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, gây dựng niềm tin cho bạn đọc, công chúng về sự hiện hữu của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng.
Để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, giàu sức thuyết phục về những con người tử tế, chuyện tử tế, đòi hỏi các cơ quan báo chí, các nhà báo phải đi sâu, đi sát, tìm hiểu và nắm bắt thực tiễn sinh động từ nhiều nguồn, nhiều góc độ như gợi ý của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương “Báo chí cần tiếp tục bám sát cuộc sống, phát hiện thêm nhiều tấm gương sáng, viết hay, sinh động hơn nữa để cổ vũ, nêu gương những điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội…”.
Một tờ báo có thương hiệu, được độc giả gửi gắm tin yêu, nôn nóng cầm trên tay vào mỗi sớm mai là khi nhìn vào đó, người ta thấy rõ tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính định hướng xã hội trong mỗi mỗi tin, bài. Với bạn đọc, những câu chuyện về người tử tế, việc tử tế là “của tin còn một chút này”. Những câu chuyện đó không chỉ góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân” như Bác Hồ hằng mong ước mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, nhân ái.
NGUYỄN TRIỆU HẢI