.

Nâng giá trị hạt gạo Việt

Cập nhật: 19:16, 17/02/2019 (GMT+7)
Tôi vừa được bạn tặng cho một bao gạo hữu cơ được giới thiệu sản xuất tại một tỉnh miền Trung. Gạo nấu thành cơm, mùi thơm dịu nhẹ như cơm lúa mới gặt, càng nhai càng ngọt, ai cũng bảo vị ngon như cơm hồi xưa ở quê mẹ nấu. Tôi vốn kén cơm, mỗi bữa chừng nửa bát nhưng từ khi ăn loại gạo này, bát luôn được xới đầy vun. Cũng từ đó, cả nhà đều “đòi” được ăn cơm gạo hữu cơ dù giá thành cao gấp đôi, gấp ba lần so với gạo thường mua ngoài chợ.

Kể chuyện này với một vài người bạn, ai cũng bảo họ đã chuyển từ việc mua gạo cân ký ở đại lý hay ở chợ sang mua gạo có thương hiệu trong siêu thị từ lâu rồi, nhất là khi cơm nguội để trên bàn mà kiến, gián không thèm ngó tới, còn gạo cả năm cũng chẳng thấy mọt ghé thăm! 

Ai cũng lo tìm gạo sạch để bảo vệ cho sức khỏe của gia đình. Dạo quanh các siêu thị cũng thấy, có hàng chục thương hiệu gạo sạch được bày bán. Mỗi bao gạo đóng gói thành nhiều loại, từ 1kg, 2kg, 5kg đến 10kg, bao bì gạo ngày càng đẹp và bắt mắt, trên nhãn đều có ghi địa chỉ sản xuất, có cả thông tin về vùng trồng và độ an toàn của gạo với chứng nhận chất lượng nên người tiêu dùng cũng yên tâm hơn gạo mua bên ngoài. Phần lớn đều là thương hiệu gạo Việt, giá bán từ 20-60 ngàn đồng/kg, tùy vào phương thức sản xuất là VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ. Theo các siêu thị, DN kinh doanh lúa gạo cho thấy, dù giá cao nhưng hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để mua gạo sạch để ăn.

Với hơn 97 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ hàng triệu tấn gạo, thị trường nội địa còn rất nhiều tiềm năng để người trồng lúa cũng như DN chế biến gạo khai thác đầu tư, sản xuất, đặc biệt là gạo sạch, có thương hiệu. Thế nhưng trong những ngày đầu năm mới này, thông tin giá lúa của vụ Đông Xuân sụt giảm mạnh khiến nông dân không có lãi. Hiện lúa sau khi thu hoạch chỉ bán được 4.550 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với vụ Đông Xuân năm ngoái. Thị trường tiêu thụ khó khăn, thương lái cũng không mua, còn DN cũng thiếu vốn để thu mua tạm trữ. Điều đáng nói là trong khi giá lúa thường giảm mạnh mỗi ngày thì  lúa sản xuất hữu cơ vẫn ổn định cả về thị trường tiêu thụ lẫn giá bán!

 Gần như năm nào cũng vậy, dù là đất nước có sản lượng xuất khẩu gạo cao thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan nhưng nông dân nước ta vẫn chưa thể yên tâm sản xuất. Thống kê cho thấy như ở vựa lúa lớn nhất nước ta là Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa/năm chỉ thu được lợi nhuận khoảng 35-40 triệu đồng/ha. Con số này thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, thấp hơn 1,5 lần so với Indonesia… Nguyên nhân là do giá trị cạnh tranh lúa gạo của nước ta còn thấp, quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ, nên cơ giới hóa khó khăn, việc hình thành mối liên kết giữa DN và nông dân trong tiêu thụ sản phẩm còn chậm khiến việc thu mua và kiểm soát chất lượng gạo còn lỏng lẻo. Tỷ lệ sản xuất gạo sạch chưa cao nên giá trị hạt gạo còn thấp.

Vậy làm gì để nâng cao giá trị hạt gạo Việt? Câu hỏi này không khó để trả lời. 

Đó là người trồng lúa phải bảo đảm được quy trình sản xuất sạch, có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Các thị trường ngày càng có xu hướng bảo hộ rõ rệt. Với mặt hàng gạo, ngoài thuế quan, các thị trường còn dựng lên các hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, mỗi thị trường tự đưa ra tiêu chí riêng. Trong các hiệp định thương mại tự do đã ký, dù Việt Nam đạt được những dòng thuế khả quan, nhưng tuỳ thị trường mà có những quy định riêng. Chẳng hạn, đối với thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu, mặt hàng gạo xuất khẩu phải theo hạn ngạch. Do đó, để đáp ứng quy định của các nước, DN bắt buộc phải nâng cao các năng lực về sản xuất, xay xát, bảo đảm chất lượng sản phẩm gạo từ khâu sản xuất đến đóng gói, bảo quản.

Đó là về xuất khẩu, riêng thị trường nội địa vẫn là tiềm năng vô cùng to lớn đối với mặt hàng gạo. Hiện nay, khi chọn mua gạo, người tiêu dùng có xu hướng tìm hiểu khá kỹ lưỡng các thông tin trên bao bì sản phẩm như thương hiệu, tiêu chuẩn, quy trình canh tác… Đã qua cái thời “ăn đủ no, mặc đủ ấm”, mà người dân quan tâm nhiều hơn tới việc “ăn ngon, mặc đẹp”, gạo sạch giá dù giá bán cao thị trường vẫn chấp nhận mua. Đặc biệt, với quy mô hơn 97 triệu dân, có thói quen ăn gạo hàng ngày, trong khi thị trường trong nước tràn ngập các loại gạo nhập khẩu của Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản… có chất lượng cao hơn hẳn thì việc cạnh tranh trong nước càng phải chú ý nhiều hơn. Chính vì vậy, cần phải xây dựng chất lượng, thương hiệu, hình ảnh gạo ngay chính tại thị trường nội địa. Nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam không phải chỉ thị trường xuất khẩu mà còn phải quan tâm ngay chính “sân nhà”, có như vậy mới giải quyết căn cơ và bền vững đầu ra cho hạt gạo Việt.

LAM GIANG
.
.
.