"Giải cứu" đến bao giờ…
Tiêu chín đỏ rực, xuyên suốt cả vùng, từ xã này qua xã khác… Cả vườn tiêu thật đẹp trong một sắc đỏ giữa cái nắng hanh khô, chói chang của tháng Giêng! Màu đỏ ấy sẽ thật đẹp và lung linh biết nhường nào nếu như giá tiêu không rớt thê thảm, đến nỗi người trồng tiêu còn không buồn thu hái. 45 ngàn đồng cho một ký tiêu khô là giá thu mua hiện tại, và để được 1 ký tiêu khô chủ vườn phải trả công cho người hái khoảng 69 ngàn đồng!
Để “giải cứu” tiêu đã chín đỏ của bà con nông dân, Huyện ủy Châu Đức đã phải ban hành công văn khẩn gửi Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội huyện;
Ban chỉ huy Quân sự huyện; Đảng ủy các xã, thị trấn trên địa bàn hỗ trợ nhân dân thu hoạch hồ tiêu. Bởi, địa phương lo ngại nếu không thu hoạch đúng thời điểm cây hồ tiêu sẽ bị suy kiệt, lâu dần ảnh hưởng đến những mùa vụ sau hoặc chết vườn tiêu. Văn bản này ngay sau khi gửi đi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía người dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Phải thấy rằng, đây là việc làm kịp thời hỗ trợ nông dân trong khi hồ tiêu đang chín rộ, lại xuống giá; cũng thể hiện sự quan tâm, sâu sát của chính quyền địa phương đối với người nông dân. Ngay trong ngày hôm nay, thứ Bảy và Chủ nhật khoảng 500 người là dân quân, đoàn viên thanh niên từ tỉnh đến địa phương tình nguyện giúp bà con thu hoạch tiêu. Các lực lượng khác của địa phương cũng sẽ vào cuộc nhằm bảo đảm hồ tiêu được thu hoạch kịp thời.
Vậy nhưng, đó mới chỉ là bước khởi đầu của vụ hồ tiêu chín đỏ năm nay, bởi sau khi thu hoạch, quan trọng hơn vẫn là làm thế nào để tiêu thụ hồ tiêu cho bà con nông dân.
“Giải cứu…” là cụm từ luôn ám ảnh tôi và không ít người khác, bởi khi cụm từ này được nhắc đến, đồng nghĩa với việc người nông dân một nắng hai sương lại đang rơi vào khủng hoảng trong tiêu thụ nông sản; họ cần đến một giải pháp cấp bách để “cứu” những sản vật họ đổ bao mồ hôi, công sức nuôi trồng mà nên, đến kỳ thu hoạch thì không tiêu thụ được... Chỉ vài ba tháng trước Tết Nguyên đán 2019, người nông dân trồng thanh long ở khắp Bà Rịa-Vũng Tàu cũng một phen điêu đứng khi trái thanh long rớt giá thảm hại, bán không ai mua, thậm chí đổ bỏ cho gia súc ăn còn không hết. Dạo ấy, các địa phương cũng đã vận động “giải cứu” thanh long cho bà con. Và trước đó nữa là “giải cứu” chuối chỉ vì thương lái Trung Quốc ngưng mua!
Quay trở lại với vụ hồ tiêu năm nay, có thể nói rằng, đây là vụ hồ tiêu được mùa, trụ tiêu nào cũng sai trĩu quả từ gốc lên đến tận ngọn, từng trái tiêu chắc mẩy, da bóng và chín đỏ au. Trước đó 1 tháng, tôi có ghé qua xã Láng Lớn, huyện Châu Đức. Một lão nông đã dẫn tôi đi thăm vườn tiêu rộng tới cả mẫu. Vườn tiêu bao bọc lấy căn nhà mái bằng có 3 phòng ngủ khang trang, đầy đủ tiện nghi. Lão nông ấy kể rằng, tất cả cơ ngơi của gia đình đều từ tiêu mà có, cả nhà lão với 5 cậu con trai đều đã ra riêng, ấm no nhờ cây tiêu. Lão nông mộc mạc, chất phác đã trầm ngâm đứng vuốt ve trụ tiêu như tiếc nuối một thời hoàng kim, quá khứ ấy dường như khó có cơ hội quay trở lại với gia đình lão và những nhà nông khác trong vùng, khi mà dăm ba năm trở lại đây, điệp khúc “được mùa, rớt giá” cứ quẩn quanh. Có năm thu không đủ bù chi, có năm cây tiêu rủ nhau chết hàng loạt, muốn “giải cứu” cũng không xuể. Rồi lão ước ao, giá như diện tích hồ tiêu đừng mở rộng thêm nữa, hàng xóm lão thay vì trồng tiêu sẽ nuôi trồng những cây con khác, cho đa dạng và phong phú thị trường nông sản. Lão cũng nhẩm tính, tới đây sẽ quay trở lại trồng cà phê và cây ăn trái trong khoảnh vườn rộng mênh mông, bát ngát tiêu hiện giờ…
Lão nông ấy không phải là không có lý, khi mà lẽ ra cùng theo nhau trồng tiêu, nông dân nên đa dạng các loại cây trồng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên quyết liệt hơn, bảo đảm không mở rộng, thậm chí là thu hẹp dần diện tích trồng tiêu; khuyến khích người trồng tiêu thay đổi phương thức canh tác, có thể từ trồng lấy số lượng chuyển sang lấy chất lượng; cần đẩy mạnh xây dựng các hợp tác xã, mô hình liên kết theo chuỗi và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu sạch, xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm xuất khẩu, ổn định về giá cả. Hồ tiêu Châu Đức nói riêng và Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung không hề thua kém về chất lượng, thậm chí còn được đánh giá cao về độ thơm, cay nồng đặc trưng. Giá như có thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuẩn sạch sẽ tăng giá trị sản phẩm khi nhắm đến thị trường xuất khẩu. Trên thực tế, thổ nhưỡng ở địa bàn Châu Đức cũng như một số địa phương lân cận khá phù hợp với các loại cây công nghiệp, cây ăn trái trong đó có cả những cây đặc sản như cà phê, ca cao, điều, bơ, sầu riêng và thậm chí là cam, bưởi các loại… Và với cây trồng gì cũng vậy, cần tuân thủ theo định hướng phát triển chung cho cả vùng, không chạy theo một cách cảm tính, ồ ạt mở rộng diện tích để rồi sau đó lại phải “giải cứu”. Quan trọng nhất vẫn là tạo đầu ra cho sản phẩm, không quá lệ thuộc vào một số thị trường nhất định để tránh tình cảnh “được mùa, rớt giá”.
SƠN TRÀ